Lãnh đạo Tổng cục Môi trường: Chậm nhất đến ngày 31/12/2024 việc xử phạt không phân loại rác thải đầu nguồn mới áp dụng
Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 45/2022/NĐ-CP đó là quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường, Nghị định 45/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây.
Trong Nghị định này, nhiều người dân đặc biệt quan tâm đến chế tài xử lý vi phạm với mức xử phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Bên cạnh đó, các tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường nếu không phân loại từ đầu nguồn sẽ chịu mức phạt từ 20 - 25 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Ngoài ra, Nghị định 45/2022/NĐ-CP xử lý vi phạm đối với các hành vi thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, trước quy định không phân loại rác tại nguồn bị xử phạt, người dân ở nhiều địa phương và cả các tổ chức, đoàn thể, chính quyền đều cho biết chưa được hướng dẫn về thực hiện quy định này.
Không chỉ người dân chưa được hướng dẫn, nhiều địa phương cho biết, vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai Nghị định này.
Trước băn khoăn về việc chưa có hướng dẫn phân loại rác đã có thời hạn xử phạt, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.
“Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8, đó là thời điểm Nghị định có hiệu lức chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành. Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy” - ông Thịnh giải thích.
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định chưa tiến hành xử phạt người không phân loại chất thải rắn sinh từ ngày 25/8 theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP |
Theo quy định tại Điều 75 - Luật Bảo vệ Môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.
"Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này" - ông Thịnh nói.
"Như vậy, tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại nào. Tinh thần của Luật là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do UBND cấp tỉnh quy định. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.
Chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt. Còn thời điểm 25/8 tới đây là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chung, chưa phải là thời điểm xử phạt" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết thêm./.