Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018

18/09/2018 14:28 Tăng trưởng xanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa long trọng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) và phát động “Tháng hành động vì môi trường” năm 2018 tại tỉnh Bình Định.

Ngày Môi trường thế giới năm 2018 được Liên Hợp quốc tổ chức với Chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa và nilon tới môi trường tự nhiên và sức khoẻ của con người.
Bảo vệ môi trường nói chung, chống ô nhiễm nhựa và túi nilon nói riêng luôn được xác định là chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Mới đây, ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu về quản lý chất thải nhựa và túi nilon.
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, song chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon. Ngày Môi trường Thế giới năm 2018 là cơ hội để Việt Nam khẳng định quyết tâm, hành động, thay đổi nhận thức để ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon; hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.
Với mong muốn đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” - kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân bằng những hành động thiết thực nhằm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon để góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần quán triệt, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu phát sinh, giảm sử dụng, tái sử dụng chất thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày đến từng cộng đồng và người dân. Tạo ra các phong trào có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần", “Không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong cuộc sống hàng ngày”; tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các Chợ, Siêu thị, Trung tâm thương mại, các khu dân cư và vùng ven biển… nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon. Tăng cường vai trò, sự chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cộng đồng dân cư trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc thải bỏ chất thải nhựa và túi nilon ra môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế túi nilon khó phân hủy trong cuộc sống hàng ngày; đồng thời triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày.

Nguyễn Quang tổng hợp
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động