Một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn
Sáng 17/7/2024, Đoàn đại biểu của Ban Tổ chức Trung ương đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong của Đại đội 915 |
Ngày 18/01/1966 đã đi vào lịch sử thanh niên xung phong tỉnh Bắc Thái, khi Đội TNXP 91 ra đời gồm 4 đại đội 911, 912, 913 và 914. Sau 6 năm hoạt động, đến tháng 6/1972, Đại đội 915 được thành lập, với hơn 100 đội viên, đa phần các anh, các chị là những cô gái chàng trai dân tộc Tày, Nùng, Dao có tuổi đời còn rất trẻ, đến từ các bản làng của các huyện vùng cao thuộc tỉnh Bắc Thái. Ngay sau khi được thành lập, cán bộ và đội viên Đại đội 915 đã cùng với các đại đội khác trong Đội 91 và lực lượng công nhân của Công ty Cầu - Đường (thuộc Ty Giao thông) ngày đêm làm nhiệm vụ sửa chữa, duy tu và nâng cấp đoạn Quốc lộ 1B từ cầu Gia Bẩy (thành phố Thái Nguyên) đến xã La Hiên (huyện Võ Nhai); đường 16A, đoạn từ Chùa Hang đến Trại Cau (đây đều là những huyết mạch giao thông tới cảng cạn Lưu Xá với lưu lượng xe vận tải mỗi ngày đêm lên tới vài trăm lượt); đồng thời phải đảm bảo giao thông, vận tải các cầu đường sắt, đường bộ: Đa Phúc, Gia Bẩy, Trà Vườn; ngầm Sơn Cẩm, bến phà Oánh,… là những trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá ác liệt.
Cũng kể từ tháng 6/1972, Mỹ đã huy động máy bay, tàu chiến thả nhiều thủy lôi và bom từ trường xuống các khu vực cửa sông, bến cảng ở miền Bắc. Cảng Hải Phòng và nhiều cửa sông, bến cảng khác bị phong toả; việc vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh và các loại hàng hoá thiết yếu do các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ theo đường biển hoàn toàn bị ngưng trệ. Trước tình hình đó, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái hai nhiệm vụ: Một là, tiếp nhận hàng (chủ yếu là lương thực và hàng hóa quốc phòng) từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Bắc chuyển về theo Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và Đường sắt Kép - Lưu Xá; khối lượng vận chuyển mỗi tháng từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn, vừa để dự trữ, vừa để tiếp chuyển cho các chiến trường và các tỉnh trong khu vực. Hai là, phải đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống trên các trục đường giao thông; đặc biệt là trên các trục giao thông huyết mạch Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và các đường sắt Kép - Lưu Xá, Quán Triều - Hà Nội. Chính vì thế, ga Lưu Xá và ga Quán Triều (thành phố Thái Nguyên) trở thành “cảng cạn” của miền Bắc, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân trang, quân dụng để từ đó chuyển đi chi viện cho miền Nam ruột thịt. Vì vậy, Thái Nguyên đã trở thành một trong những địa bàn bị đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ thời kỳ đó.
Chập tối ngày 24/12/1972, khi số lương thực, hàng hoá quốc phòng tồn đọng ở ga Lưu Xá đã cơ bản đã được giải toả, cả đơn vị còn chưa kịp ăn cơm thì tiếng còi báo động vang lên, tiếng máy bay phản lực gầm rú, bom từ những chiếc B52 bắt đầu trút xuống. Mặc dù, toàn thể cán bộ, đội viên Đại đội 915 cùng một số đồng chí khác đã vào 2 căn hầm trú ẩn (ở Khu tập thể Bệnh viện Gang thép, tại xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên) nhưng một loạt bom rơi trúng khu vực hầm trú ẩn đã cướp đi cùng một lúc sinh mạng của 62 anh chị.
Ghi nhận sự hy sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Bắc Kạn đầu tư, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tại ga Lưu Xá”. Nơi đây đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu sự biết ơn và lòng thành kính của các cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.