Một số chính sách phát triển dịch vụ môi trường tại Việt Nam

14/09/2023 00:00 Phát triển ngành CNMT
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đó là ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Do đó, yêu cầu về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và cải thiện môi trường ngày càng cao, đòi hỏi có bước phát triển mới trong lĩnh vực dịch vụ môi trường.

Hiện nay, ở Việt Nam đã hình thành mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường, bước đầu thu hút khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường. Nhiều loại hình dịch vụ môi trường đã đi vào hoạt động và phát triển như thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải; Tư vấn môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ môi trường. Năng lực cung ứng dịch vụ và chất lượng dịch vụ còn thấp, không đồng đều trên các lĩnh vực và giữa các vùng miền, địa phương trên phạm vi cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu là do khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dịch vụ môi trường chưa được hoàn thiện; Chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường còn thiếu tính định hướng; Quy định pháp luật về quản lý chất lượng của một số dịch vụ môi trường chưa được quan tâm đúng mức; Nhiều tổ chức và cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường song chưa đáp ứng các điều kiện cần thiết dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo; Chưa có quy định rõ ràng về điều kiện cấp phép hành nghề cung cấp dịch vụ môi trường, dẫn tới doanh nghiệp thành lập tràn lan theo kiểu “toàn dân làm dịch vụ môi trường”.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và dịch vụ môi trường nói riêng. Các cơ chế chính sách về phát triển dịch vụ môi trường thường được lồng ghép trong một số các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài chính, khuyến khích hỗ trợ đầu tư... và bước đầu tạo điều kiện.

hình thành và phát triển mạng lưới dịch vụ môi trường
Hình thành và phát triển mạng lưới dịch vụ môi trường còn gặp nhiều khó khăn

Bên cạnh các chính sách pháp luật đã được ban hành, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Phê duyệt khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ: nhằm góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường trên phạm vi cả nước. Khung chính sách tập trung vào 3 nhóm nội dung, bao gồm:

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường: Xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư; Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển một số loại hình dịch vụ môi trường; Xây dựng lộ trình từng bước xóa bỏ bao cấp của Nhà nước qua giá, phí dịch vụ, đặc biệt đối với các dịch vụ công ích về môi trường.

Các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ môi trường: Xây dựng, ban hành quy định về điều kiện hoạt động đối với tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ môi trường; Xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; Xây dựng, hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với hoạt động BVMT; Hoàn thiện các quy định về chế tài xử lý đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ môi trường có hành vi vi phạm.

Chính sách thành lập một số tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước đủ mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, bức xúc về môi trường của đất nước.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1463/QĐ-TTg, ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành và phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường, đồng thời tăng tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, góp phần tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đề án đã xác định 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp: Hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường; Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường tại địa phương; Sắp xếp, thành lập hoặc góp vốn đầu tư thành lập một số loại hình doanh nghiệp dịch vụ môi trường trong một số lĩnh vực đặc thù; Thực hiện các Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện và thúc đẩy ngành dịch vụ môi trường phát triển, Chính phủ đã quy định chi tiết nội dung phát triển dịch vụ môi trường tại Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể:

1. Dịch vụ môi trường là ngành kinh tế cung cấp dịch vụ đo lường, kiểm soát, hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; xử lý chất thải, các chất ô nhiễm khác; bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ khác có liên quan.

2. Nhà nước có chính sách phát triển thị trường dịch vụ môi trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đối với dịch vụ môi trường theo lộ trình phù hợp với cam kết quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, cung cấp dịch vụ môi trường.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường trong các lĩnh vực sau đây:

a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;

b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường;

c) Cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái;

d) Tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;

đ) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng;

e) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;

g) Giám định thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học; giám định các chất ô niễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người;

h) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

4. Giá cung cấp dịch vụ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Trên thực tế, việc đưa các chính sách phát triển dịch vụ môi trường tại Việt Nam còn chậm. Thị trường dịch vụ môi trường đang chủ yếu tập trung vào các dịch vụ xử lý nước thải, rác thải. Nhiều lĩnh vực khác trong phạm vi dịch vụ môi trường còn bỏ ngỏ hoặc triển khai thiếu đồng bộ, hiệu quả.

Để tiếp tục phát triển thị trường dịch vụ môi trường, Chính phủ cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo sát sao đến các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý để phát triển các loại hình dịch vụ môi trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong đó tập trung vào các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào lĩnh vực này.

Nguyễn Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động