Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp
Sửa quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam |
Theo đó, Nghị định quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50.000.000 đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50.000.000 đồng. |
Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng tại Nghị định quy định, ngoài hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, như: tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy, thử nghiệm phân bón; giấy phép sản xuất hóa chất bảng; giấy phép sản xuất phân bón; giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; giấy chứng nhận hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cất giữ hóa chất nguy hiểm, hoạt động của cơ sở hóa chất bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF, hoạt động sản xuất phân bón, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng đối với loại tang vật phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2013. Nghị định này thay thế Nghị định số 90/2009/NĐ-CP ngày 20/10/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất; Nghị định số 15/2010/NĐ-CP ngày 01/3/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; Mục 2 Chương V Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp.