Năm 2023 ngành Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính 1.994 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 145 tỷ đồng
Cụ thể, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong công tác thanh tra hành chính toàn ngành tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính đối với 83 đơn vị tổ chức, cá nhân; trong đó: Bộ thực hiện 02 cuộc kiểm tra đối với 10 đơn vị; các Sở đã tiến hành 44 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 73 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị truy thu số tiền 2,285 tỷ đồng.
Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thời gian qua là một trong những "điểm nóng" về vi phạm hành chính mà Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đang tích cực trong công tác kiểm soát, ngăn ngừa những hành vi vi phạm có thể ảnh hưởng đến môi trường. |
Trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực đất đai. Toàn ngành đã thực hiện 599 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.421 tổ chức, cá nhân; trong đó:Bộ đã thực hiện 13 cuộc kiểm tra đối với 31 tổ chức; Các Sở đã tiến hành 586 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.390 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dung: Sử dụng đất không đúng mục đích; không sử dụng đất hoặc tiến độ thực hiện chậm; lấn chiếm đất đai; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; chưa thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.... Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, các chức danh có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 676 tổ chức, cá nhân với số tiền 35,1 tỷ đồng, kiến nghị truy thu 3,884 tỷ đồng, thu hồi diện tích đất là 366 ha.
Đối với lĩnh vực môi trường, toàn ngành đã thực hiện 335 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 862 tổ chức, cá nhân trong đó: Bộ đã thực hiện 36 cuộc thanh tra đối với 249 tổ chức; Các Sở đã tiến hành 299 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 577 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dung: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường, đăng ký môi trường đã được phê duyệt; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường; vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đầy đủ chế độ báo cáo... Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, các chức danh có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 311 tổ chức, cá nhân với số tiền là 46.576 triệu đồng.
Trong lĩnh vực khoáng sản, toàn ngành đã thực hiện 241 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 567 tổ chức, cá nhân trong đó: Bộ đã thực hiện 70 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 90 tổ chức; Các Sở đã tiến hành 171 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 477 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dung: Khai thác không có giấy phép; khai thác vượt công suất cho phép; khai thác không có thiết kế mỏ; không bổ nhiệm Giám đốc mỏ hoặc bổ nhiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn; vi phạm về an toàn lao động.... Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, các chức danh có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 147 tổ chức, cá nhân với số tiền 23.119 triệu đồng.
Đối với các lĩnh vực tài nguyên nước; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; lĩnh vực đo đạc và bản đồ; lĩnh vực biển và hải đảo Bộ và các Sở cũng đã thực hiện nhiều cuộc thanh, kiểm tra đối với nhiều tổ chức, cá nhân. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những tồn tại, sai sót của các tổ chức cá nhân có liên quan và đã thực hiện hướng dẫn, đề nghị các đơn vị kịp thời khắc phục, sửa chữa.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp nhiều lĩnh vực. Toàn ngành đã thực hiện 363 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.137 tổ chức, cá nhân, trong đó: Bộ đã thực hiện 06 cuộc đối với 49 tổ chức; Các Sở đã tiến hành 357 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.088 tổ chức, cá nhân.
Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, các chức danh có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 765 tổ chức, cá nhân với số tiền là 32.509 triệu đồng; truy thu nộp ngân sách nhà nước số tiền là 7.761 triệu đồng.
Trong kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. Bộ cho biết: Tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Bộ là 129 vụ việc, Bộ tiến hành thẩm tra, xác minh 100% vụ việc, cụ thể: Có 14 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 11 vụ. Có 115 vụ việc thuộc thẩm quyền (trong đó có 58 vụ việc cùng nội dung), đã ban hành văn bản giải quyết 36 vụ việc18. Đáng chú ý, qua xác minh và đối thoại có 23 vụ việc đình chỉ giải quyết do công dân tự nguyện rút đơn khiếu nại hoặc do Ủy ban nhân dân tỉnh tự thu hồi lại quyết định hành chính bị khiếu nại.
Đối UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: có 2.844 vụ việc thuộc thẩm quyền, đã giải quyết xong 1.714 vụ việc (chiếm 62%).
Trong công tác xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Bộ năm 2023, Bộ đã tiếp nhận 399 thông tin, gồm: 233 thông tin tiếp nhận qua địa chỉ mail, 166 thông tin tiếp nhận qua điện thoại, trong đó thông tin phản ánh liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm 62,04%; lĩnh vực môi trường chiếm 18,67%, còn lại là các thông tin thuộc lĩnh vực khác. Kết quả có 169 thông tin không đủ điều kiện xử lý, 134 thông tin đã hướng dẫn trực tiếp và 96 thông tin đủ điều kiện xử lý, Bộ đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền, có 28 trường hợp địa phương đã báo cáo kết quả về Bộ.
Trong năm 2023 số vụ việc Bộ phát hiện các vụ việc sai phạm của các tổ chức, cá nhân và chuyển hồ sơ sang Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để xử lý theo thẩm quyền là 12 vụ việc.
Trước những kết quả tích cực mà toàn ngành đã đạt được trong năm 2023, sang năm 2024 trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 4270/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2023 phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ và Quyết định số 4271/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2023 phê duyệt Kế hoạch kiểm tra năm 2024 của các đơn vị trực thuộc Bộ.
Để kết quả thanh tra, kiểm tra đạt được kết quả tốt Bộ đề nghị các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác thanh, kiểm tra theo các Kế hoạch đã ban hành. Đối với các địa phương, Bộ đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch hoặc cử người phối hợp với các Đoàn thanh tra, kiểm tra do Bộ hoặc các đơn vị trực thuộc chủ trì thực hiện để nắm bắt thông tin, tổng hợp, giám sát việc thực hiện về sau./.