Nghệ An: Tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến 2025

18/09/2023 14:17 Chính sách - Pháp luật
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 354/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến 2025, định hướng đến 2030.
Nghệ An: Tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến 2025

Kế hoạch đặt ra mục tiêu, phấn đấu mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ bình quân đạt 12 -13% trên năm, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025 và tăng dần tỷ trọng trong những năm tiếp theo.

Thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp nhất là khu vực FDI để thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa.

Đến 2025, phấn đấu các doanh nghiệp nội địa chiếm từ 10 -12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp; có từ 20 -30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn.

Xây dựng từ 3 -5 phân khu trong công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp; thu hút đầu tư từ 1 -2 cụm công nghiệp trong chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp ưu tiên như điện tử, cơ khí lắp ráp, năng lượng đạt từ 30 -35%; dệt may đạt trên 45%. 100% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vào 2030.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử - tin học - viễn thông: Tiếp tục thu hút các dự án FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để tạo động lực cho các Tập đoàn lắp ráp mạnh dạn đầu tư nhà máy tại Nghệ An từ đó lôi kéo các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng.

Phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ở cả 3 bước công nghệ: Công nghiệp vật liệu chủ yếu là các vật liệu sản xuất cho các thiết bị điện; công nghệ chế tạo phát triển linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào sản xuất khung vỏ sản phẩm, bo mạch. Hỗ trợ liên kết, kết nối thông qua hỗ trợ hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp nội bộ trên địa bàn tỉnh với các Tập đoàn tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất…

Giai đoạn đến 2025, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ở một lĩnh vực sản xuất bao gồm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt đặc biệt là Sợi tổng hợp; phát triển các nhà máy dệt vải đáp ứng nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh và cả nước; thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt - may. Giai đoạn 2026 -2030, tập trung phát triển các dự án sản xuất và cung cấp thiết bị, phụ tùng cơ khí để thay thế trong quá trình vận hành các nhà máy trên địa bàn tỉnh…

Về công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, giai đoạn đến 2025, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng tại KCN Hoàng Mai I để làm tiền đề thu hút các Tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào Nghệ An. Tập trung thu hút đầu tư được một tập đoàn lắp ráp ô tô có thương hiệu trên thế giới đặt nhà máy tại Nghệ An trong đó ưu tiên các nhà sản xuất và lắp ráp các loại xe tải, xe khách. Đồng thời, thu hút các dự án tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các thương hiệu ô tô uy tín đang đầu tư tại Việt Nam…Bên cạnh đó, tập trung phát triển CNHT ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất; sản xuất bao bì, in ấn, dán nhãn, hạt phụ gia…

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp thực hiện bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển CNHT; thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển CNHT; xây dựng môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi thúc đẩy CNHT phát triển. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển CNHT; tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNHT; phát triển công nghệ, nâng cao năng lực quản lý chất lượng cho doanh nghiêp CNHT; phát triển thị trường, kết nối cung cầu sản phẩm CNHT…

Sở Công Thương Nghệ An cũng được giao chủ trì, phối hợp thực hiện chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương trong từng thời kỳ; tham mưu ban hành các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động kết nối công nghiệp hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Tham mưu chương trình làm việc với các tập đoàn, Tổng công ty trong nước kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy; cơ khí, ô tô; thiết bị phục vụ ngành công nghiệp điên; kêu gọi đầu tư công nghiệp hỗ trợ vào các cụm công nghiệp trên địa bàn…

Cũng theo sở Công Thương hiện phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghệ An nhằm nâng cao các giá trị nội địa của các sản phẩm công nghiệp và phát triển công nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đang gặp nhiều khó khăn nhưng Nghệ An đang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9 -10%/năm, đến 2025 chiếm từ 10 -12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tăng dần tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Dương Mỹ
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động