NGND. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệm: Hơn cả một người thầy

17/09/2018 20:27 Tăng trưởng xanh
Sinh ra từ Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt, mang trong mình khí chất chất phác, gan góc mà đôn hậu với tính cách thật thà của những người đã từng lớn lên trong không gian văn hóa Lam Hồng. Chính không gian văn hóa ấy đã tạo nên một người thầy từ khi bước vào nghề giáo cho đến khi tuổi đã thất tuần mà vẫn cần mẫn với các công trình hoạt động khoa học. Dù tuổi đã xế chiều nhưng trên bàn làm việc của thầy vẫn luôn có những tập bản thảo về sách chuyên ngành, về giáo trình, bài giảng, sách tham khảo, các đề tài nghiên cứu khoa học, những tập luận văn Thạc sỹ hoặc những luận án Tiến sĩ của các học trò do thầy hướng dẫn. Người mà tôi nhắc đến trên đây chính là NGND.PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệm - Nguyên Trưởng phòng Đào tạo Đại học và sau Đại học trường Đại học Giao thông vận tải.

NGND. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệm: Hơn cả một người thầy


NGND. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệm

Đi qua khó khăn

NGND. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệm sinh ngày 14 tháng 4 năm 1948 tại Anh Sơn, Nghệ An. Lớn lên trong một gia đình nông dân vất vả, khó khăn bộn bề, khi đất nước còn ngập chìm trong chiến tranh bom đạn, vì thế chặng đường học tập của thầy không hề dễ dàng. Thế nhưng càng trắc trở, gập ghềnh bao nhiêu thì ý chí vươn lên của thầy lại càng lớn bấy nhiêu, đó là lý do vì sao dù không thể theo học hết chương trình trung học phổ thông (do hoàn cảnh gia đình) thầy vẫn xuất sắc hoàn thành khóa học ngành Cơ khí của trường Trung cấp Cơ khí I (tiền thân của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện nay) theo dạng xét tuyển. Sau khi tốt nghiệp với thành tích nổi bật, thầy được phân công về công tác tại trường Trung học Công nghiệp Nghệ An (cũ) với vai trò người đưa đò.
Bắt đầu cơ duyên với nghề giáo đơn giản là thế, song chưa bao giờ thầy nghĩ sẽ có ngày mình rời xa mảnh đất quê hương, đến với Thủ đô để trở thành giảng viên truyền đạt kiến thức cùng với những bài học đắt giá cho thế hệ sinh viên, học viên trường Đại học Giao thông vận tải - một trong những ngôi trường hàng đầu về chất lượng giáo dục của nước ta. Có lẽ, với thầy tất cả đều do một chữ nhân duyên mà thành. Nói về chặng đường dài mà thầy đã và đang bước đi như ngày hôm nay, thầy chia sẻ: “Khi đang giảng dạy tại Nghệ An, trường bất ngờ giải thể do cơ chế Nhà nước thay đổi, tôi được Bộ Cơ khí luyện kim (cũ) tạo điều kiện cho sang làm cán bộ kỹ thuật tại Công ty xây lắp “CE” trực thuộc Bộ Cơ khí luyện kim. Thời gian một năm làm việc tại đây, thấu hiểu ước mơ được tiếp tục học tập của tôi, công ty đã dành cho tôi một cơ hội dự thi tuyển sinh đại học và cuối cùng tôi thi đỗ đại học với điểm cao, được Nhà nước cho sang học đại học tại Liên Xô (cũ) vào năm 1972”.
Khi nghe thầy tâm sự, quả thực tôi (người viết bài) không thể giấu nổi sự xúc động và ngưỡng mộ bởi vì tôi tin chắc rằng không phải ai cũng có đủ đam mê và quyết tâm mạnh mẽ như thầy. Tiếp nối về hành trình mà thầy chia sẻ, tôi được biết sau khi thầy thi đỗ đại học, bằng kết quả xuất sắc lúc bấy giờ thầy may mắn nhận học bổng du học tại trường Đại học Đường và Ôtô Matxcova (Liên Xô cũ). Sáu năm học tập ở phương trời xa lạ, nói ngắn thì không phải quá ngắn mà dài thì cũng chưa phải là quá dài nhưng đó là sáu năm của những giọt mồ hôi, là sáu năm của những nỗ lực không thể đong đếm, là hành trình của nỗi nhớ nhà và sự cố gắng không ngừng nghỉ. Cuối cùng những thách thức tuổi trẻ cũng lùi dần về phía sau, để đền đáp cho nhiệt huyết ấy, năm 1978 thầy bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp đại học tại Liên xô.
Trở về nước bước tiếp chặng đường của một người thầy, từ năm 1978 đến năm 1993, thầy là cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Bộ môn Máy xây dựng xếp dỡ, Khoa Cơ khí trường Đại học Giao thông vận tải. Thầy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại trường Đại học Giao thông vận tải và nhận học vị Tiến sỹ kỹ thuật năm 1990; tiếp đó thầy đã được phong tặng chức danh Phó giáo sư năm 2002. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008 lúc thầy vừa tròn 60 tuổi. Thầy Nguyễn Đăng Điệm đã từng giữ chức vụ Phó trưởng phòng (1993-2004), sau đó là Trưởng phòng Đào tạo Đại học và Sau Đại học (2004-2008) của trường Đại học Giao thông vận tải. Từ năm 2008 (khi hết tuổi làm công tác quản lý) cho đến nay thầy vẫn giữ vững vai trò là người truyền tải tri thức: Giảng dạy đại học; hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học; giảng dạy cao học, hướng dẫn học viên Cao học và Nghiên cứu sinh làm luận văn Thạc sỹ và luận án Tiến sĩ; hoạt động nghiên cứu khoa học; viết sách và viết giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo. Dù đã bước vào tuổi thất tuần nhưng sự tinh anh và tấm lòng của thầy dường như chưa phai nhạt. Các học trò có một người thầy đáng kính , các đồng nghiệp có một người bạn, người anh em chân tình luôn tận tâm với nghề nghiệp.
Những kết quả đạt được
Nghề dạy học vốn nghèo về vật chất, nhưng PGS.TS.NGND Nguyễn Đăng Điệm lúc nào cũng sống bằng niềm tự hào nghề nghiệp với một đời sống tinh thần được vun đắp bởi phẩm giá của một nhà giáo. Ở thầy, học trò thấy được sự sâu sắc của một vị tiền bối, sự ân cần, tình cảm của một người cha, người thầy và tinh thần trách nhiệm tận tụy của một nhà giáo.

Sự nghiệp trồng người bao giờ cũng là nội dung cơ bản trong hoạt động sư phạm của một nhà giáo. Nhưng dạy học ở bậc đại học không phải là giảng giải những bài học có sẵn mà là dẫn dắt học trò khám phá một lĩnh vực khoa học mới mẻ nào đó. Cho nên, muốn trở thành một nhà giáo mẫu mực, người giảng viên đại học phải phấn đấu để trở thành một nhà khoa học. Đó là lý do vì thầy còn là cái tên sáng giá trong đội ngũ cán bộ hoạt động khoa học của trường, thầy đã hoàn thành tốt nhiều công trình khoa học có giá trị với sự say mê và tinh thần khoa học nghiêm túc. Thầy đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Các đề tài nghiên cứu khoa học của thầy hầu hết đều thuộc lĩnh vực chuyên môn về Máy xây dựng xếp dỡ.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của thầy được biết đến là:“Xây dựng và ứng dụng các phương án hoàn thiện hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa máy xếp dỡ cảng Hải Phòng” (đề tài cấp Nhà nước); “Nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để sửa chữa máy thi công xếp dỡ” (đề tài cấp Nhà nước); “Nghiên cứu thiết kế và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng chế tạo và sửa chữa máy thi công” (đề tài cấp Nhà nước); “Nghiên cứu xây dựng quy trình triển khai áp dụng thí điểm phương pháp đào tạo theo học chế tín chỉ trong trường ĐH GTVT” (đề tài cấp trường); “Nghiên cứu thiết kế chế tạo một số thiết bị chuyên dùng phục vụ sửa chữa nhằm nâng cấp cầu bê tông ở Việt Nam” (đề tài cấp Nhà nước); “Khảo sát đánh giá chất lượng hoạt động của các trạm trộn bê tông nhựa nóng đang khai thác tại Việt Nam” (đề tài cấp Bộ); “Nghiên cứu thiết kế chế tạo mũi khoan chuyên dùng mở rộng đáy cọc khoan nhồi” (đề tài cấp Bộ).

Chưa dừng lại với các đề tài nghiên cứu khoa học như đã được nêu trên, NGND.PGS.TS Nguyễn Đăng Điệm còn là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 30 bài báo khoa học được công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín như tạp chí “Khoa học Giao thông vận tải”, tạp chí “Giao thông vận tải”, tạp chí “Cơ khí Việt Nam” v.v.
Bận rộn là vậy, nhưng để thấy thầy nghỉ ngơi e vẫn còn là điều xa vời, bởi thầy vẫn luôn muốn cống hiến được nhiều hơn nữa cho xã hội, cho đất nước. Trong quá trình công tác của mình, bên cạnh giảng dạy, nghiên cứu khoa học thầy còn chủ trì và tham gia biên soạn hơn một chục cuốn sách, giáo trình, sách tham khảo và tài liệu phục vụ giảng dạy đại học, giảng dạy cao học và đào tạo nghiên cứu sinh, cụ thể như: “Cở sở kỹ thuật sữa chữa máy thi công xếp dỡ”; “Sửa chữa máy xây dựng xếp dỡ và thiết kế xưởng”; “Tổ chức tối ưu công tác sửa chữa máy thi công xếp dỡ”; “Truyền động máy xây dựng xếp dỡ”; “Sổ tay máy xây dựng”; “Phương pháp xác định mô hình tổ chức phục vụ kỹ thuật máy xây dựng xếp dỡ”; “Kỹ thuật an toàn trong thiết kế, sử dụng và sửa chữa máy xây dựng”; “Cần trục tháp xây dựng”; “Máy xây dựng”; “Truyền động nâng cao trong cơ khí”; “Truyền động máy xây dựng” (theo chương trình đào tạo mới); “Sửa chữa máy xây dựng” (theo chương trình đào tạo mới).
Một chặng đường dài học tập, lao động và cống hiến, ngẫm lại NGND.PGS.TS Nguyễn Đăng Điệm vẫn cảm thấy cuộc đời mình chưa đóng góp được bao nhiêu cho gia đình và xã hội, bởi vậy ông vẫn sẽ tiếp tục phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa. Lập nghiệp đã khó, làm nên sự nghiệp càng khó hơn, nhất là sự nghiệp hoạt động khoa học, sự nghiệp giảng dạy - sự nghiệp vinh quang nhưng cũng đầy những gian nan, những vất vả mà chỉ có thể vượt qua bằng chính tài năng, tâm huyết, niềm đam mê và kiên định.
Với tôi, thầy là tấm gương trong tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện năng lực, phẩm chất của người thầy; tích cực, chủ động trong hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học với mong muốn có thể đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, giải quyết tốt các vấn đề tâm lý nảy sinh từ thực tiễn.

Kim Nguyễn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động