NGƯT Phạm Viết Khang: Trọn nghĩa hai chữ “Thầy giáo”

17/09/2018 21:34 Tăng trưởng xanh
Ai sinh ra trên đời cũng mang trên mình một sứ mệnh rất riêng, điều này lại càng đúng hơn khi nói về những nhà giáo chân chính, tận tâm - những người đã và đang ngày đem chữ “Tài” và chữ “Tâm” của mình để sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho đất nước. NGƯT Phạm Viết Khang - nguyên Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Bắc bộ là một con người như thế. Ông đã sống, làm việc say mê và khát khao cống hiến, tận tâm với các thế hệ sinh viên.

Duyên nghiệp nghề giáo
NGƯT Phạm Viết Khang sinh 1953 tại Vân Đình, Ứng Hòa , Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ và theo học tại Khoa Cơ điện nông nghiệp, Trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội. Trong suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, cũng như các bạn sinh viên cùng trang lứa, mỗi người đều mang trong mình một ước mơ riêng, chàng sinh viên Phạm Viết Khang luôn ao ước, mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ được phân công công tác vào làm việc tại một cơ sở cơ khí nông nghiệp. Ấy vậy mà tựa như một mối lương duyên để ông mang trên mình sứ mệnh cao cả của một người lái đò thầm lặng. Năm 1979, ông tốt nghiệp ra trường với tấm bằng tốt và nhận Quyết định phân công công tác về Trường Trung học nghiệp vụ quản lý Xuân mai (nay là Trường Cao đẳng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Bắc bộ). Đầu tháng 5/1980, ông về trường và được phân công vào Tổ giáo viên kỹ thuật, giảng dạy môn cơ khí nông nghiệp. Thời điểm đó, toàn trường đang có nhiều hoạt động chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường (16/01/1961 – 16/01/1981). Với một chút khả năng kẻ vẽ, ông được tham gia vào tổ khánh tiết. Sau mấy tháng ông nhiệt tình, tích cực cùng mọi người kẻ khẩu hiệu, sáng tác và vẽ pano, đắp sa bàn... đã giúp ông nhanh chóng hòa nhập được với mọi người, hiểu biết về lịch sử, truyền thống của trường.
Nhớ lại quãng thời gian ấy, ông xúc động khi kể lại cho chúng tôi nghe về những tháng ngày đầy gian lao và vất vả. Lúc đó, cơ sở vật chất của nhà trường còn nghèo, lạc hậu, đời sống của cán bộ giáo viên cũng không tránh khỏi những bữa cơm độn khoai, độn sắn, ấy thế nhưng mọi người lại luôn sống chan hòa, vui vẻ, giàu tình cảm. Ông luôn nhận được ở đồng nghiệp sự giúp đỡ tận tình và từ đó chính niềm đam mê nghề giáo cũng được lan tỏa sang ông, rồi ông chợt yêu nghề từ lúc nào không biết.
Bắt đầu gắn bó với nghề giáo từ tháng 8/1980 cho đến nay, cũng đã gần 40 năm NGƯT Phạm Viết Khang miệt mài, tâm huyết giảng dạy cho các thế hệ sinh viên bằng cả tấm lòng của một người thầy. Ông luôn giữ vững quan điểm: Để dạy tốt, trước hết người thầy phải rèn luyện cho mình thái độ và kỹ năng học tập: “Học để dạy”. Bởi thế, ông ý thức học để dạy là vô cùng cần thiết với nghề giáo, giúp cho người thầy sẽ phải tự đặt ra yêu cầu trong việc nghiên cứu môn học ở mức cao hơn và hướng về người học nhiều hơn. Mặt khác, dạy học cũng chính là quá trình học: học cách giảng giải cho người khác biết các kiến thức ta biết, thực hiện được các kỹ năng mà ta có, học cách hướng dẫn người khác tự học để biết nhiều hơn và làm được nhiều hơn. Nếu ý thức sâu sắc về điều đó, sinh viên sẽ thực sự trở thành động lực để những ai làm thầy sẽ cố gắng nhiều hơn để tự hoàn thiện mình về chuyên môn, về phẩm chất nghề nghiệp. Khi đó kết quả học tập tốt của sinh viên sẽ chính là phần thưởng quý giá và là thước đo kết quả giảng dạy của chính người thầy. Có lẽ chính những suy nghĩ đó, đã giúp ông không ngừng nỗ lực, cố gắng để hoàn thiện bản thân và trở thành một nhà giáo thực thụ.
Thành công trên con đường mới
Từ năm 1994 - 1996, ông quyết định lật tiếp cho cuộc đời mình một trang sách mới, khi đăng ký theo học Đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin. Thời kỳ đó, ông vừa đi dạy vừa đi học, sau mỗi ngày lên lớp, chiều về ông lại xuống Hà Nội học (từ 17 giờ đến 21 giờ và lại trở về Xuân mai) với khoảng cách gần 40 km. Không những thế, ông còn tham gia giảng dạy về tin học theo hợp đồng với một số cơ sở đào tạo, lúc ở Cao đẳng sư phạm Thường tín, lúc lại ở Cao đẳng cộng đồng Hà Tây và Nông trường 1A . Chẳng kể thời tiết mưa hay nắng, đôi chân ông vẫn dòng dã đi về sớm khuya, đã có lúc ông cảm thấy bị gục ngã, nhưng rồi bằng ý chí, nghị lực và sự quyết tâm trên con đường đã chọn, ông lại vượt qua được những gian khó và hoàn thành tốt khóa học. Ông cũng không bao giờ quên sự quan tâm hỗ trợ của nhà trường, của đồng nghiệp, đặc biệt là sự cổ vũ động viên của người vợ - cũng là đồng nghiệp của ông trong suốt chặng đường phấn đấu.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, từ năm 1993 - 2007: ông được đề bạt giữ cương vị Trưởng Bộ môn Tin học và bổ nhiệm làm Trưởng khoa Công nghệ thông tin (2008 -2013). Trên cương vị của một người quản lý, NGƯT Phạm Viết Khang đã có những chính sách, định hướng xây dựng sự phát triển của Khoa. Dưới sự dẫn dắt của ông, Khoa Công nghệ thông tin đã trở thành một khoa có nhiều sinh viên theo học hàng năm và được Nhà trường đánh giá cao về công tác chuyên môn, năng lực giảng dạy của cán bộ giáo viên trong khoa. Ngoài ra, trách nhiệm trên vai của một người thổi làn gió mới, NGƯT Phạm Viết Khang ngoài công việc giảng dạy, quản lý ông vẫn dành thời gian cho việc nghiên cứu, biên soạn các giáo trình phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và giúp sinh viên có tư liệu học tập. Ông là tác giả của Giáo trình thực hành Tin học quản lý (2000), Giáo trình thực hành Tin học văn phòng (2001) và Giáo trình Microsoft Visual Foxpro (2005). Tất cả các giáo trình đều được thẩm định và in tại Nhà xuất bản thống kê. Không những thế, ông còn biên soạn nhiều tài liệu khác phục vụ cho giảng dạy và thực hành, như Bài Bài giảng Mạng máy tính (2006), Bài giảng Visual Basic 6.0 (2008), Bài tập lập trình với Visual Basic 6 (2010), vv....
Từ năm 1996 đến 2008, ông thiết kế các phần mềm tin học ứng dụng vào công tác quản lý trong nhà trường, gồm các phần mềm: Quản lý điểm, Quản lý hồ sơ học sinh sinh viên, Quản lý số liệu thi đua, Tra cứu hồ sơ và điểm trên mạng cơ quan và phần mềm Quản lý đoàn viên. Hiện các phần mềm vẫn đang hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý của nhà trường. Ông đã Chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công hội thảo “Hoàn thiện CTĐT trung cấp tin học quản lý (9/2007)” với sự tham gia của nhiều nhà sử dụng lao động, các cựu học sinh sinh viên của ngành công nghệ thông tin. Tham gia xây dựng Chương trình đào tạo (CTĐT) cao đẳng công nghệ thông tin, chuyên ngành Tin học ứng dụng (2008). CTĐT được Bộ Giáo dục & Đào tạo duyệt và đang áp dụng tại trường và trực tiếp biên soạn đề cương chi tiết và tài liệu giảng dạy của một số học phần trong CTĐT cao đẳng. Năm học 2009-2010, ông tham gia xây dựng CTĐT cao đẳng nghề và trung cấp nghề công nghệ thông tin.
Mỗi ngày qua đi, NGƯT Phạm Viết Khang lại cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chủ động tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong giảng dạy, khoa học và luôn cần mẫn trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác giảng dạy để xứng đáng với sự tin yêu và kính trọng của mọi người, để có thể cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà. Gần 40 năm, hết mình với sự nghiệp giáo dục, tận tâm dẫn dắt các thế hệ sinh viên bằng cả tấm lòng của người thầy, người cha, ông đã tham gia đào tạo thành công nhiều khóa học, cung cấp cho ngành nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung hàng ngàn nhân viên trung cấp tin học và cử nhân cao đẳng tin học có chuyên môn tốt. Các học sinh, sinh viên sau khi ra trường đều thành đạt, không ít người đã và đang giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ở khắp mọi miền của Tổ quốc nhưng hàng năm đến ngày 20/11, ngày thành lập trường 16/1 đều tụ họp lại bên ông, thầy trò quây quần bên nhau cùng ôn lại những kỉ niệm, đó là điều làm ông cảm thấy hạnh phúc nhất. Và tình yêu của học trò cũng chính là sự tiếp lửa nhiệt tình cho ông nói riêng, hay cho những người đã và đang làm công tác giảng dạy nói chung.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động