Nhà máy Bột - Giấy VNT19: Cam kết dừng hoạt động, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường

21/05/2024 07:05 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Ngày 20/5, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về các nội dung liên quan đến việc thi công tuyến ống ngầm thoát nước đã qua xử lý của Nhà máy Bột - Giấy VNT19.
Họp báo cung cấp thông tin về các nội dung liên quan đến việc thi công tuyến ống ngầm thoát nước đã qua xử lý của Nhà máy Bột - Giấy VNT19.
Họp báo cung cấp thông tin về các nội dung liên quan đến việc thi công tuyến ống ngầm thoát nước đã qua xử lý của Nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Theo đó, chủ đầu tư làcông ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 cam kết, sẽ dừng hoạt động, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường; Bảo đảm nước thải đã qua xử lý của Nhà máy không ảnh hưởng đến khu vực bãi tắm và vùng đánh bắt hải sản của người dân. Ngoài ra, sẽ lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý mùi bổ sung tại vị trí bể trộn tiếp nhận; Đầu tư nâng cấp phân xưởng xử lý nước đã qua xử lý theo lộ trình để tiến tới đạt tiêu chuẩn cột A.

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền và cơ quan quản lý địa phương tổ chức cho người dân giám sát hoạt động xử lý nước thải và xả nước đã qua xử lý của Nhà máy.

Chủ đầu tư cũng cam kết, đảm bảo an sinh xã hội, bố trí việc làm phù hợp, hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với người dân địa phương. Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, góp phần giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, gia tăng giá trị kinh tế cho Tỉnh Quảng Ngãi.

Công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, được các nhà máy bột – giấy trên thế giới sử dụng

Tại buổi họp báo, bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, Dự án đầu tư Nhà máy Bột – Giấy VNT19 (giai đoạn 1), công suất 350.000 tấn bột giấy/nǎm được xây dựng tại thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn với tổng diện tích khoảng 117ha. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2270/QÐ-BTNMT ngày 07/9/2015. Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng công việc của Dự án đã thực hiện đạt khoảng 85%.

Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 được UBND tỉnh giao khu vực biển tại Quyết định số 1281/QÐ-UBND ngày 22/11/2023 để xây dựng tuyến ống thoát nước đã qua xử lý của Dự án; theo đó, khu vực có biển được phép sử dụng có diện tích là 0,45ha; thời hạn sử dụng khu vực biển là 30 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành và đã tổ chức bàn giao khu vực biển cho doanh nghiệp.

Về công nghệ xử lý nước thải, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 cho biết, công ty đã lựa chọn nhà thầu AQUAFLOW của Phần Lan (lớn nhất thế giới về xử lý nước thải) thiết kế, thi công mới 100% hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải của dự án được thiết kế với công suất 50.000 m3/ngày đêm, qua các công đoạn: Xử lý sơ cấp, xử lý sinh học, xử lý nâng cao; Hệ thống liên hồ sự cố, hồ chỉ thị sinh học. Các thông số nước thải sau khi được xử lý sẽ đạt và tốt hơn quy chuẩn cho phép của QCVN 12-MT:2015 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nuớc thải công nghiệp giấy và bột giấy.

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 cung cấp thông tin về hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 cung cấp thông tin về hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy.

“Ðây là công nghệ sản xuất tiên tiến, phổ biến của thế giới hiện nay giúp tiết kiệm hóa chất, giảm phát sinh nước thải; đồng thời, công ty bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, phương án giám sát việc xả nước sau xử lý, cụ thể như: Nâng công suất của hồ sự cố từ 20.000m3 lên 50.000m3; bổ sung hồ sinh học với dung tích 25.000m3, tạo hệ thống liên hồ gồm: hồ sự cố và hồ sinh học với sức chứa 75.000 m3 ; Bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng (thả cá, sinh vật phù du, bọ nước, bèo, rong rêu là những động thực vật, thủy sinh vật chỉ thị rất nhạy cảm với môi trường để kiểm chứng nước đã qua xử lý truớc khi xả ra môi trường); Nước đã qua xử lý trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại hai điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá. Kết quả kiểm tra và hình ảnh được truyền trực tiếp và liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường” – ông Hữu thông tin.

Liên quan đến việc người dân địa phương đã có những phản ứng không đồng tình trong việc thi công tuyến ống ngầm thoát nước, đại diện UBND huyện Bình Sơn cho biết, trước đó, đã tổ chức buổi tham vấn cộng đồng dân cư, tuy nhiên số người dân tham gia còn ít nên việc tuyên truyền, giải thích, vận động chưa thể đến được hết tất cả bà con nhân dân địa phương. Do đó, hiện nay chính quyền địa phương cùng các cơ quan ban ngành và chủ đầu tư đang tập trung tuyên truyền, gặp mặt bà con nhân dân để giải thích và cung cấp thông tin chính thống đến cho bà con nhân dân, mong sớm nhận được sự đồng thuận, đồng hành của bà con để dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động.

Nhà máy Bột - Giấy VNT19: Cam kết dừng hoạt động, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường
Đại diện Lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn trả lời câu hỏi của báo chí.

Theo hồ sơ thiết kế hệ thống xử lý nước thải của Công ty cổ phần Bột – Giấy VNT19, ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và các quy định của pháp luật hiện nay cho thấy: Công nghệ xử lý nước thải của dự án là tiên tiến, phổ biến, được các nhà máy bột – giấy trên thế giới sử dụng và xả nước thải đã qua xử lý ra môi trường nước biển.

Về hướng tuyến thoát nước thải đã qua xử lý của dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất và phù hợp với hướng tuyến đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại Quyết định số 2270/QD-BTNMT ngày 07/9/2015.

Ðồng thời, với quy định của pháp luật hiện nay, để dự án đi vào vận hành thì phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường. Sau khi dự án đi vào hoạt động, nước thải đã qua xử lý của dự án trước khi xả thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc, giám sát tự động, liên tục và có camera giám sát truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp và liên tục.

Dự án góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp của Quảng Ngãi

Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm và bằng khoảng 55% - 60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất. Điều này góp phần giảm việc xuất thô dăm gỗ, gia tăng giá trị trồng rừng, sản xuất, tạo sự ổn định, ít phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nguyên liệu dăm thô khi giá dăm biến động. Đặc biệt, người dân trồng keo tại địa phương sẽ có đầu ra ổn định, giá bán sẽ cao hơn do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, Nhà máy sẽ góp phần giảm nhập khẩu bột giấy, giảm giá thành nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng sản xuất trong nước.

Chủ đầu tư cam kết dừng hoạt động, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường
Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đã thực hiện đạt khoảng 85%.

Nhà máy Bột - Giấy VNT19 góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là ngành công nghiệp khai thác, chế biến dăm gỗ, chuyển đổi lao động nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo và gia tăng thu nhập của người dân ổn định không bị ảnh hưởng với thiên tai, mất mùa.

Dự kiến, khi đi vào hoạt động Nhà máy sẽ thu hút từ 800 đến 1.000 người tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài ra tạo việc làm, dịch vụ gián tiếp cho hàng ngàn lao động khác.

Nhà máy Bột - Giấy VNT19 sẽ đóng góp vào ngân sách địa phương thông qua các loại thuế như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của khoảng 1.000 lao động chủ yếu là người địa phương. Dự tính, tổng giá trị các loại thuế, phí Nhà máy đóng góp vào ngân sách địa phương từ 800 tỷ đến 1.000 tỷ/năm. Như vậy, Nhà máy Bột - Giấy VNT19 đi vào hoạt động mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải của Dự án đuợc tóm tắt như sau:

Hệ thống thu gom nước thải sản xuất → Song chắn rác → Bể lắng sơ cấp → Bể trung hòa → Tháp làm mát → Bể hiếu khí → Bể lắng thứ cấp→ Bể hóa lý → Bể tuyển nổi → Mương quan trắc online 1 → Hồ sinh học → Hồ nuôi cá kiểm chứng → Mương quan trắc online 2 →Trạm bơm →Vịnh Việt Thanh.

Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động