Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga: Cột mốc ngành công nghiệp đóng tàu hay nguy cơ thảm hoạ

13/08/2019 06:00 Công nghệ, thiết bị
Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới có tên Akademik Lomonosov đang gây tranh cãi lớn trong giới công nghiệp và môi trường. 

Cột mốc của ngành công nghiệp đóng tàu Nga

Đầu tháng 7/2019, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới có tên Akademik Lomonosov do Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga xây dựng đã được cấp phép hoạt động. Theo đúng lịch trình, trong tháng 8, công trình lịch sử này sẽ được lai dắt trên hành trình dài gần 6.500km dọc theo tuyến đường biển phía Bắc, đến cảng Pevek ở Bắc Cực để chính thức vận hành.

nha may dien hat nhan noi cua nga cot moc nganh cong nghiep dong tau hay nguy co tham hoa
Akademik Lomonosov - Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới do Nga sản xuất có độ dài 144m . Ảnh: Business Insider.

Theo các nhà chức trách, Akademik Lomonosov với độ dài 144m sẽ thay thế một nhà máy hạt nhân cũ kỹ và một nhà máy điện than độc hại, cung cấp năng lượng sạch cho sinh hoạt, sản xuất, khai khoáng tại vùng đất xa xôi, giàu khoáng sản nhất của Nga – Chukotka.

nha may dien hat nhan noi cua nga cot moc nganh cong nghiep dong tau hay nguy co tham hoa
Akademik Lomonosov (trước khi được sơn màu) đang được lai dắt trên biển trước khi đi vào hoạt động. Ảnh: CNN.

Akademik Lomonosov là “con đầu lòng” được chế tạo trong gần hai thập kỷ, sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân KLT-40S - tương tự như loại trong tàu phá băng hạt nhân của Nga. Có khả năng sản xuất ra lượng điện đủ để phục vụ cho 100.000 hộ gia đình. Rosatom tuyên bố, nhà máy nổi này “không thể chìm” và có thể chịu được va chạm với băng trôi, sóng lớn cao 7 mét. Lomonosov được sơn màu trắng nổi bật, đóng logo của tập đoàn và được trang bị cơ sở vật chất hiện đại như: phòng tập thể dục, hồ bơi, quán bar (không phục vụ rượu),… An ninh cũng được thắt chặt 24/24 với cả báo giới. Nên nó còn được gọi với cái tên “Titanic hạt nhân”.

Trước đây, Rosatom đã nhiều năm báo cáo chi phí vượt mức dự toán và trì hoãn xây dựng Akademik Lomonosov. Sau khi được cấp phép hoạt động, ban lãnh đạo tập đoàn đã ca ngợi đây là “cột mốc xuất sắc” của ngành công nghiệp đóng tàu của Nga.

“Cột mốc” hay thảm hoạ hạt nhân tiềm tàng?

Mặc dù được ca ngợi bởi nhà sản xuất và chính quyền, nhà máy điện hạt nhân này đang khiến các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế lo ngại. Nhiều ý kiến còn cho rằng, đây có thể trở thành “thảm hoạ Chernobyl” thứ hai. Năm 1986, tại Pripyat, Ukraina (khi đó là một phần của Liên bang Xô-viết), nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã phát nổ. Đây được coi là thảm hoạ hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng thế giới, khiến gần 340.000 người phải sơ tán. Lượng phóng xạ phát ra từ vụ nổ nhiều gấp 400 lần so với bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945, vùng ảnh hưởng lan rộng ra phía Tây Liên bang Xô-viết, Đông Âu, Tây Âu, Anh Quốc, Hoa Kỳ,…. Theo Liên hợp quốc, số người bị nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm lên tới hàng triệu, số ca tử vong do ảnh hưởng lâu dài vào khoảng 9.000 đến 200.000 ca. Ngày nay, một số tổ chức môi trường đang gọi Akademik Lomonosov với cái tên “Chernobyl nổi”, hiệu quả kinh tế của nó cũng bị nhiều chuyên gia nghi ngờ do có chi phí sản xuất và vận hành cao.

nha may dien hat nhan noi cua nga cot moc nganh cong nghiep dong tau hay nguy co tham hoa
Thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986 đã biến Pripyat thành vùng đất chết. Ảnh: Ukrainetrek.

Trong một báo cáo năm 2011, sau thời gian theo sát quá trình phát triển của Akademik Lomonosov, Tổ chức chuyên trách về các vấn đề môi trường tại Bắc Cực Bellona đã đưa ra giả thuyết: Khi xảy ra sóng thần, nhà máy điện hạt nhân có thể bị ngắt khỏi các nguồn cung trên đất liền, va đập vào bờ,… gây tai nạn hạt nhân, tạo hậu quả nghiêm trọng.

Mối lo ngại về môi trường tại Bắc Cực đã dấy lên kể từ khi các bên lợi dụng hiện tượng băng tan nhanh, đồng thời sử dụng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân để mở đường vận chuyển thương mại mới giữa Trung Quốc và châu Âu. Để phục vụ cho mục đích quân sự, nhiều tàu ngầm và thiết bị hạt nhân công nghệ cao cũng được vận hành tại Bắc Cực.

nha may dien hat nhan noi cua nga cot moc nganh cong nghiep dong tau hay nguy co tham hoa
Rìa băng bên ngoài hải cảng thị trấn Pevek. Ảnh: Business Insider.

Ông Thomas Nilsen - Biên tập viên của tờ báo Barents Observer (Na Uy) cho biết: “Theo ước tính của tôi, vùng Bắc Cực của Nga sẽ trở thành nơi bị hạt nhân hoá nhiều nhất trên hành tính vào năm 2035”.

Nếu dự đoán của ông Nilsen thành hiện thực, các nhà máy điện hạt nhân sẽ là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Công ty Rosatom cho biết, Akademik Lomonosov chỉ mới là sản phẩm đầu tiên. Họ hi vọng có thể sản xuất hàng loạt các nhà máy điện hạt nhân nổi linh hoạt và bán cho các nước trên thế giới. Ban lãnh đạo khẳng định đã ký thoả thuận phát triển dự án tương tự với Sudan và một số quốc gia khác.

Giới hoạt động vì môi trường cho biết, mối lo ngại thật sự của họ là sự “bành trướng” của các nhà máy điện hạt nhân nổi sau khi Akademik Lomonosov được cấp phép hoạt động. Điều này có thể sẽ rất khó kiểm soát tại các nước có tiêu chuẩn an toàn và trình độ công nghệ yếu hơn Nga.

Bà Anna Kireeva bày tỏ: “Tôi tin rằng các chuyên gia Nga có thể vận hành một nhà máy điện hạt nhân nổi an toàn. Nhưng tại các nước kém phát triển hơn, họ sẽ làm gì với các nhiên liệu hạt nhân sau khi sử dụng? Trong trường hợp xảy ra tại nạn họ sẽ phải xoay sở ra sao?”

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của các dự án nhà máy điện hạt nhân nổi cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Vì trên thực tế, chưa có bất cứ giao dịch thương mại nào được thực hiện ngoài các thoả thuận bằng miệng hoặc trên mặt giấy. Do vậy, giới quan sát gọi các động thái quảng cáo, “chào bán” của Rosatom là “phù phiếm”.

Hơn nữa, ban lãnh đạo của Rosatom hiện vẫn từ chối công khai chính thức giá của Akademik Lomonosov, chỉ khẳng định sẽ giảm giá các nhà máy nổi được xây dựng sau. Năm 2016, một kỹ sư của công trình cho biết, giá của nhà máy điện hạt nhân ước tính khoảng hơn 33 triệu USD, chi phí trang bị cơ sở hạ tầng cần thiết khoảng gần 11 triệu USD.

Trước làn sóng chỉ trích, ông Vladimir Irminku – một trong những kỹ sư trưởng của Akademik Lomonosov đã phải thốt lên: “Tôi cảm thấy như mình là nhà du hành đầu tiên vào vũ trụ vậy”.

Nhà sản xuất nói gì?

Trước các cáo buộc, ban lãnh đạo Rosatom phản pháo mạnh mẽ. Họ khẳng định nguyên lý hoạt động của Akademik Lomonosov khác hoàn toàn với Chernobyl, hơn nữa được làm lạnh liên tục do đặt giữa vùng biển Bắc Cực nên khả năng xảy ra cháy nổ là rất thấp.

Ông Irminku nói: “Cảm giác hoài nghi về một công nghệ mới nào đó là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc Akademik Lomonosov bị chỉ trích quá gay gắt là bất công, đặc biệt khi chưa ai đưa ra được bằng chứng cụ thể nào”.

nha may dien hat nhan noi cua nga cot moc nganh cong nghiep dong tau hay nguy co tham hoa
Akademik Lomonosov hiện đại về công nghệ và cơ sở vật chất. Ảnh: CNN.

Về khả năng xảy ra trục trặc kỹ thuật hoặc va đập, Rosatom cho biết đã xây xung quanh nhà máy điện một bến tàu. Bên cạnh đó, chế độ khẩn cấp của lò hạt nhân còn có khả năng làm mát mà không cần điện trong 24 giờ.

Ông Dmitry Alekseyenko - Phó Giám đốc xây dựng và vận hành nền tảng của Rosatom khẳng định: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ các số liệu của vụ tai nạn hạt nhân Fukushima. Quá trình thử nghiệm với những chuyên gia hàng đầu cũng cho thấy Akademik Lomonosov có thể đứng vững trong cơn sóng thần gây ra bởi động đất mạnh 9 độ richter”.

Theo các chuyên gia của tập đoàn, đây là phương pháp sản xuất điện tối ưu cho một vùng xa xôi hẻo lánh như Chukotka. Akademik Lomonosov có tuổi thọ lên tới 40 năm, thậm chí là 50 năm; có thể hoạt động liên tục trong vòng dưới 5 năm mà không cần tiếp nhiên liệu. Họ cũng cam kết rằng sau khi “nghỉ hưu”, lò phản ứng của nhà máy sẽ không để lại bất cứ nguyên vật liệu độc hại, nguy hiểm nào.

Bên cạnh đó, các kỹ sư còn kì vọng Akademik Lomonosov có thể khử mặn nước với khả năng cho ra thành phẩm 240.000 mét khối nước ngọt mỗi ngày.

Diệu Anh (Theo The Guardian, CNN...)
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động