Nhà máy xanh: Mục tiêu hướng đến của các doanh nghiệp trong nước
Nhà máy xanh
Ngành công nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện theo định hướng phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Đây là một trong những mục tiêu hướng đến của Việt Nam trong thực hiện thành công Chiến lược và Quy hoạch tổng thể ngành Công nghiệp theo đúng quan điểm, mục tiêu, đường lối của Đảng, Chính phủ và trong bối cảnh thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp sản xuất và hoạt động kinh doanh không chỉ phát sinh rác thải gây ô nhiễm môi trường mà còn tác động đến cách tiếp cận và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn chất lượng và thân thiện với môi trường cũng như hướng theo các doanh nghiệp có uy tín về sản xuất và bảo vệ môi trường. Do đó, nhà máy xanh đã và vẫn đang là xu thế tất yếu trong phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xây dựng nhà máy xanh bằng cách sử dụng các giải pháp xanh không chỉ là cách giúp các doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích về môi trường, chi phí đầu tư, vận hành công trình và đảm bảo môi trường làm việc trong lành, khỏe mạnh cho người lao động tại nhà máy mà còn tạo động lực thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI qua đó góp phần đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế.
Nhà máy xanh là nhà máy được trang bị các quy trình thiết kế và sản xuất thân thiện với môi trường giúp cải thiện hiệu quả phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng.
Nhà máy xanh là một công trình sản xuất hiệu suất cao với thiết kế tích hợp giữa năng suất và mối quan hệ của nó với môi trường. Do đó, nhà máy xanh cần đảm bảo nhiều yếu tố đồng thời.
Một là, có hệ thống giám sát và kiểm soát trực tuyến xanh: dữ liệu về các tác động môi trường như tiêu thụ năng lượng, ánh sáng, chất lượng không khí và nước, điều kiện môi trường trong nhà, lãng phí cần được hệ thống cung cấp theo thời gian thực để được điều chỉnh kịp thời.
Hai là, đảm bảo nguyên liệu xanh và chuỗi cung ứng đầu vào của quá trình sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. Quy trình cần cải tiến từ các quy trình đã được thông qua hiện tại như quản lý tổng thể hóa chất, mua sắm xanh; dán nhãn xanh; lựa chọn vật liệu và sàng lọc hóa chất; đánh giá tác động công nghệ nano và kỹ thuật sinh học; đánh giá mối nguy để loại bỏ các chất độc hại.
Ba là, hạn chế tối đa lãng phí và ô nhiễm. Tỷ lệ phần trăm hao phí của quy trình sản xuất cần phải cải thiện đáng kể để đạt được mức lãng phí gần bằng không.
Bốn là, tối ưu hoá nguồn lực từ các quy trình hiện tại như sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo; bảo tồn nước…
Năm là, thiết kế cho hệ sinh thái phải quan tâm đến sự tích hợp và trao đổi động lực của các nguồn lực, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cũng như hậu cần của vòng đời sản phẩm và tác động của nó đến hệ sinh thái.
Thông thường, đầu tư cho một hệ thống nhà máy xanh trung bình cao hơn công trình thông thường cùng loại từ 5% đến 15%, tuy nhiên chi phí vận hành của nhà máy xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó trung bình sau 4-5 năm, tổng số tiền tiết kiệm từ chi phí vận hành có thể bù đắp vốn cho các chủ đầu tư nhà máy xanh.
Có rất nhiều phương thức mà cách doanh nghiệp trên thế giới và trong nước đang thực hiện có hiệu quả để tiến tới sản xuất xanh. Trong đó, việc ưu tiên sử dụng các mô hình tái tạo năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại trong vận hành, chuyển đổi sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường hiện được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Mô hình tái tạo cung cấp năng lượng
Mỗi doanh nghiệp sản xuất đều mong muốn hướng tới phát triển bền vững hơn bằng cách tạo ra một mô hình tái tạo cung cấp năng lượng hiệu quả cho cơ sở sản xuất của mình. Thay vì tự mua nguyên liệu thô, các nhà máy xanh sẽ sử dụng chất thải của một nhà máy khác (nước, năng lượng và các nguồn tài nguyên khác) để đáp ứng phần nào đó nhu cầu sản xuất. Có thể thấy rằng hiện nay, việc các doanh nghiệp đang trong nước đã gần như chuyển đổi sang việc thực hiện mô hình tái tạo cung cấp năng lượng. Các doanh nghiệp khác nhau có thể lựa chọn việc thực hiện hoàn toàn cả mô hình hoặc tìm kiếm các điểm mạnh, nguồn lực hợp lý thực hiện một phần trong mô hình tái tạo cung cấp năng lượng.
Mô hình tái tạo cung cấp năng lượng bao gồm việc khôi phục tài nguyên và tái chế vật liệu; cho thuê trang thiết bị - một phần của nền kinh tế chia sẻ; sử dụng bảo trì dự đoán nhằm tăng giá trị tuổi thọ và độ bền của máy móc và thiết bị và chuyển sang nguồn điện tái tạo cung cấp năng lượng cho các nhà máy.
Mô hình tái tạo cung cấp năng lượng |
Việc triển khai mô hình tái tạo cung cấp năng lượng tại các nhà máy tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn xuất phát từ năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp về vốn, công nghệ và thị trường sản phẩm nên đến nay cũng chưa nhiều doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện toàn diện mô hình này.
Một số nhà máy tại Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững như sử dụng các vật liệu tái chế, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không gây tổn hại đến môi trường và giảm tác động gây biến đổi khí hậu.
Công trình Nhà máy Bel Greenfield Asean tại Bình Dương thuộc công ty Bel Việt Nam, thành viên của Tập đoàn BEL Pháp, đã tiết kiệm 20% năng lượng, giảm 74% OTTV (Overall Thermal Transfer Value – chỉ số truyền nhiệt tổng), có mật độ công suất chiếu sáng giảm 83% so với tiêu chuẩn VBEEEC khi sử dụng 21% vật liệu có nguồn gốc tái chế, bền vững và tái tạo nhanh.
Công trình nhà máy may Deutsche Bekleidungs Werke tại Long An thuộc tập đoàn Royal Spirit Group đã sử dụng năng lượng tái tạo (xăng sinh học và pin quang điện), tái chế 93% phát thải xây dựng với khu vực dành riêng để phân loại và tập kết sản phẩm tái chế; sử dụng mái xanh hơn 1000 m2 để trồng các loại rau cung cấp cho nhà ăn.
Ngoài các doanh nghiệp, nhà máy trên, tại Việt Nam nhiều nhà máy đã và đang dần chuyển mình, từng bước thiết lập và triển khai chuyển đổi từ nhà máy thông thường sang nhà máy xanh để có thể tiếp cận nhanh hơn đến thị trường nước ngoài thông qua các sản phẩm xanh, có chất lượng và được kiểm định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, mỗi doanh nghiệp bên cạnh việc tiên phong trong nghiêp cứu khoa học công nghệ, đổi mới sản xuất và tìm cho mình những mô hình phù hợp để có thể tiết kiệm chi phí đầu tư mà hiệu quả sản xuất lại tăng còn cần phải tìm cho mình các giải pháp, công nghệ thực sự hiệu quả trong bảo vệ môi trường và sản xuất. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà là quyền lợi của các doanh nghiệp khi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng với các yêu cầu khắt khe về các sản phẩm đảm bảo chất lượng đi đôi với doanh nghiệp sản xuất phải bảo vệ môi trường.
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.