Nhận diện ô nhiễm làng nghề
Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội |
* Trong vòng vây ô nhiễm
Đã từ lâu, người dân ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh phải chịu cuộc sống ngột ngạt do ô nhiễm môi trường từ hoạt động tái chế nhôm, phế liệu. Khói bụi, khí thải, nước thải không được xử lý, khiến môi trường sống nơi đây ô nhiễm vẫn “chồng” ô nhiễm.
Ông Mẫn Văn Tán, Trưởng thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn cho biết: Thôn có khoảng 900 hộ dân, trong đó hơn 300 hộ trực tiếp tham gia vào nghề tái chế nhôm, sản xuất chi tiết máy, chì và khoảng 50 hộ chuyên thu mua, vận chuyển vật liệu, phế liệu. Thu nhập của người dân từ nghề này rất cao, người làm thuê có mức tiền công bình quân từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày, còn các hộ sở hữu lò đốt, tái chế nhôm thì thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, đổi lại, không khí, nguồn nước ở vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Làn khói mờ trắng từ dầu nấu nhôm, mùi khét từ quá trình tái chế nhôm bủa vây mỗi mái nhà.
Trung bình một năm các hộ trong thôn Mẫn Xá tái chế khoảng 10.000 tấn nhôm phế thải và một ngày một hộ làm nghề đun đúc từ 200 - 300 kg bột nhôm. Trong đó, phải dùng bột chì để kéo lấy bột nhôm, tính trung bình 1 ngày, thôn Mẫn Xá sử dụng khoảng trên dưới 1 tấn bột chì.
Do thiếu công nghệ xử lý chất thải, diện tích chứa chất thải không đủ nên phế thải trong quá trình sản xuất, chủ yếu là xỉ nhôm đều được đưa ra ngoài môi trường tự nhiên. Theo đánh giá hiện trạng môi trường ở Văn Môn của ngành chức năng cho thấy, trung bình mỗi ngày xã nghề phát sinh khoảng 30-40 tấn chất thải rắn bã thải xỉ nhôm, xỉ than từ quá trình cô đúc kim loại, chưa được thu gom triệt để, còn hiện tượng đổ tràn xuống đường giao thông, kênh mương nội đồng và các khu đất trống.
Chất thải đổ trực tiếp ra môi trường ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. |
Ô nhiễm không khí cũng ở mức nghiêm trọng. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cho thấy các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 1,8 lần. Nguồn nước thải từ sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý, xả trực tiếp ra các ao, hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt cho thấy các chỉ tiêu phân tích (pH, BOD5, COD, SS, Fe, Cu, Ni, Pb, dầu mỡ) cao hơn chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần.
Tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ là vấn đề bất cập mà xã Văn Môn gặp phải, đây còn là bài toán khó ở nhiều làng nghề trong cả nước hiện nay.
* Thiếu công trình bảo vệ môi trường
Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vì nhiều làng nghề chưa được đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ môi trường nên chất thải rắn, nước thải, khí thải chưa được xử lý triệt để gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất (chưa có thống kê cụ thể về khối lượng phát sinh tại các làng nghề)... Nhiều làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tái chế phế liệu (giấy, nhựa, kim loại...) phát sinh khối lượng chất thải rắn rất lớn sau quá trình sản xuất, chất thải này không được thu gom, xử lý mà xả thẳng ra các khu vực công cộng, đặc biệt là ao hồ, bờ đê gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, ô nhiễm nghiêm trọng nước mặt, nước dưới đất, bốc mùi hôi thối và mất mỹ quan khu vực nông thôn.
Một số làng nghề có những loại hình gây ô nhiễm như làng nghề hầm than củi tại các xã Phú Tân, huyện Châu Thành và xã Tân Thành, Đại Thành, thị xã Ngã Bảy; tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng); làng nghề chăn nuôi lợn tại các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre)... Mặc dù địa phương đã có nhiều giải pháp như di dời ra khu vực sản xuất tập trung, cải tiến công nghệ... nhưng đây vẫn là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nông thôn.
Thậm chí, tại một số làng nghề dù đã được đầu tư một số hạng mục công trình bảo vệ môi trường nhưng hoạt động lại không hiệu quả. Đơn cử như trạm xử lý nước thải tập trung đã xuống cấp, hư hỏng, chi phí vận hành xử lý nước thải lớn trong khi chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể (như dự án từ nguồn khoa học công nghệ tại làng nghề giết mổ trâu bò Phúc Lâm; dự án tại làng nghề sơn mài Hạ Thái....
Một số làng nghề đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung song khó khăn trong việc triển khai đấu nối và huy động vốn đối ứng của người dân như làng nghề nấu rượu làng Vân, làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng... Nhiều làng nghề chưa có dự án hoặc đã có dự án nhưng còn chậm triển khai thực hiện do thiếu kinh phí như làng nghề đúc đồng Đại Bái; làng nghề đúc đồng Quảng Bố, làng nghề dệt nhuộm Nha Xá, làng nghề bún bánh Yên Ninh... Làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá; làng nghề bún Phú Đô còn khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất để xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.
Nhiều làng nghề chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất di dời ra khỏi khu dân cư hoặc một số cơ sơ sản xuất đã di dời vào cụm công nghiệp, tuy nhiên một số vẫn tập trung tại các khu vực trong làng nghề như làng nghề dệt Phương La, tỉnh Thái Bình; làng nghề dệt nhuộm Nha Xá, Hà Nam... gây nên nguy cơ tái ô nhiễm rất cao nếu không kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hình thành mới.