Nhật Bản sẽ thải 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ ra Thái Bình Dương
Sau khi nhà máy Fukushima bị phá huỷ bởi động đất và sóng thần năm 2011, hơn một triệu tấn nước thải nhiễm phóng xạ chưa qua xử lý đã được chuyển sang bể chứa của TEPCO. Đến nay, các chuyên gia dự kiến, bể chứa này sẽ hết công suất vào năm 2022.
Bể chứa nước nhiễm phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: Reuters. |
Ông Yoshiaki Harada - Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản cho biết: "Sự lựa chọn duy nhất với tôi lúc này là pha loãng số nước ô nhiễm rồi thải toàn bộ ra biển. Chính phủ sẽ cùng thảo luận về vấn đề này nhưng tôi vẫn muốn đưa ra ý kiến đơn giản của mình".
Trước ý kiến có phần táo bạo của ông Harada, các lãnh đạo của TEPCO vẫn chưa có phản hồi. Phía chính phủ Nhật Bản vẫn đang chờ báo cáo từ các chuyên gia để đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo giới quan sát, vấn đề chất thải trên biển hiện đang "nóng" trên toàn cầu. Như vậy, bất cứ thứ gì bị thải ra biển cũng có thể gây phẫn nộ cho các nước láng giềng nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Đặc biệt tại Hàn Quốc, vấn đề nước thải của nhà máy Fukushima đang rất được quan tâm. Hồi tháng trước, chính phủ nước này đã triệu tập một quan chức của đại sứ quán Nhật Bản đến để giải trình về các bước xử lý nước nhiễm phóng xạ.
Trên thực tế, các nhà máy hạt nhân ven biển vẫn thường thải ra đại dương nước thải có chứa chất phóng xạ tritium - một đồng vị khó phân tách của hydro, được cho là tương đối vô hại. Tuy nhiên, năm 2018, TEPCO đã thừa nhận trong bể chứa vẫn có chất gây ô nhiễm khác bên cạnh tritium.