Nhật xuất khẩu công nghệ sản xuất điện từ rác sang Đông Nam Á
Các cơ sở xử lí rác và sản xuất điện từ rác thải của Nhật Bản có khả năng ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm trên bằng cách sử dụng kĩ thuật đốt rác không gây ô nhiễm không khí, đồng thời tạo ra điện từ lượng nhiệt phát ra trong quá trình đốt rác.
Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết sẽ phối hợp với một số địa phương và doanh nghiệp nước này để hỗ trợ các nước Đông Nam Á xây dựng những cơ sở xử lý và phát điện từ rác thải. Đây cũng là mục tiêu xuất khẩu cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực môi trường của Nhật Bản.
Chương trình hợp tác này dự kiến đến năm tài khóa 2023 sẽ xây dựng khoảng 10 thành phố kiểu mẫu về xử lý rác và phát điện từ rác thải nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển cũng như thiếu điện ngày càng trầm trọng tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Philippines, 3 thành phố đang được xem xét đưa vào chương trình để xây dựng thành phố kiểu mẫu về xử lí rác và phát điện từ rác là Davao, Quezon và Cebu. Tại Việt Nam, Hà Nội cũng đang được đề xuất.
Xử lí rác thải tại các nước Đông Nam Á được cho chủ yếu vẫn thực hiện bằng hình thức chôn lấp cùng lúc nhiều loại rác khác nhau, trong đó có cả rác thải nhựa. Cách xử lí này làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm biển.
Các cơ sở xử lí rác và sản xuất điện từ rác thải của Nhật Bản có khả năng ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm trên bằng cách sử dụng kĩ thuật đốt rác không gây ô nhiễm không khí, đồng thời tạo ra điện từ lượng nhiệt phát ra trong quá trình đốt rác. Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết nước này đang có khoảng 380 cơ sở như vậy, chiếm tỉ lệ 30% trong tổng số các cơ sở xử lí rác.
Theo Công ty Tài chính quốc tế (IFC) có trụ sở chính tại Mỹ, thị trường phát điện từ xử lí rác thế giới năm 2013 có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD và đang được kì vọng tăng lên 80 tỷ USD vào năm 2022.
Theo kế hoạch, trong năm tài khóa 2019, Bộ Môi trường Nhật Bản đã dự toán 2 tỷ yen dành cho hoạt động khảo sát thực địa phục vụ đấu thầu và hỗ trợ triển khai thiết bị tại nước ngoài.
Theo hãng tin Nikkei, các công ty dự kiến sẽ đấu thầu tham gia dự án liên quan là Hitachizosen, JFE Engineering, công ty công nghiệp nặng Mitsui... Về mặt nguồn vốn triển khai, để áp dụng được Cơ chế tín dụng chung (JCM) và hỗ trợ tới một nửa kinh phí trong giai đoạn đầu, một phần lượng khí nhà kính cắt giảm được nhờ cơ sở xử lí, phát điện từ rác thải tại các nước sẽ được tính cho lượng cắt giảm khí thải của Nhật Bản. Đây cũng là những đóng góp của Nhật Bản đối với các vấn đề về môi trường sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tới.