Nhiều bộ, địa phương giải ngân vốn đầu tư chậm tiến độ
Theo Công văn số 8637/BTC-ĐT của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ trong 7 tháng năm 2019, có 5 bộ, ngành và 8 địa phương có số giải ngân đạt trên 60% là Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nhà văn, tỉnh Tuyên Quang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Phú Yên.
Tuy nhiên, có tới 35 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó có tới 18 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% sau 7 tháng qua là Bộ GTVT, Ngoại giao, Y tế, Tư pháp, NHNN, TT&TT, Ủy ban Dân tộc, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia TPHCM, Liên minh HTX Việt Nam... và tỉnh Đồng Nai.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. |
Đặc biệt, 2 cơ quan chưa giải ngân được đồng vốn nào (ghi nhận số liệu qua Kho bạc Nhà nước) tới hết tháng 7/2019 là Ngân hàng NN&PTNT (được giao 261 tỉ đồng) và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (được giao 23,35 tỉ đồng).
Tình hình giải ngân trong 7 tháng năm 2019 đang diễn ra chậm nhất trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô tài khoá, tiền tệ và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Sau khi tổ chức kiểm tra công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư tại một số địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vào đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đánh giá còn một số tồn tại trong tổ chức thực hiện việc quản lý, thanh toán vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như: Xây dựng kế hoạch vốn hàng năm chưa sát với khả năng cân đối nguồn vốn, chưa tuân thủ nguyên tắc ưu tiên bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng, nhiều dự án bố trí vốn chưa sát với kế hoạch giải ngân vốn dẫn đến tình trạng dự án giải ngân tốt nhưng thiếu vốn, dự án có vốn nhưng không giải ngân được (đặc biệt vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA).
Công tác lập thẩm định thiết kế thi công-dự toán, tổ chức mời thầu, đấu thầu dự án còn chậm, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Nhiều dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng. Một số địa phương chưa triển khai thủ tục để thu hồi vốn ứng trước theo kế hoạch được giao.
Còn tình trạng dự án đã tạm ứng hợp đồng quá thời hạn thanh toán theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính nhưng chưa được thu hồi theo quy định. Báo cáo giải ngân vốn của địa phương còn chậm so với quy định, số liệu báo cáo còn chênh lệch nhiều so với số Kho bạc Nhà nước cung cấp dẫn đến khó khăn cho công tác tố chức điều hành.
Bộ Tài chính đang xây dựng một báo cáo chi tiết hơn về tình hình quản lý, thanh toán vốn đầu tư công ở các bộ, ngành và địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phục vụ phiên họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này trong tháng 9 tới.
Ngày 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương sử dụng nhiều vốn đầu tư công và chỉ ra việc chậm trễ chính là do những hạn chế, yếu kém trong quản lý đầu tư và thực hiện giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết số vốn chưa giao ngay trong tháng 8; trước 30/9/2019 trình Thủ tướng Chính phủ việc huỷ kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước 10/10/2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỉ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành địa phương.
Tin mới
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.