Nhiều công nghệ mới trong xử lý nước thải và rác thải
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang phát sinh khoảng 940 tấn rác/ngày. Hiện trên địa bàn tỉnh có 171 Công ty, Hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; 2,2 nghìn điểm tập kết, trung chuyển và 79 lò đốt rác công nghệ; rác thải được thu gom đạt hơn 93%.
Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn gặp nhiều khó khăn như: Tiến độ đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại một số địa phương còn chậm; chủ yếu là chôn lấp rác một phần và đốt lộ thiên làm phát sinh côn trùng, khí, nước thải gây ô nhiễm môi trường; thiếu công nghệ xử lý tiên tiến; nhận thức của một bộ phận người dân về bảo vệ môi trường hạn chế.
Việc giới thiệu một số công nghệ mới trong xử lý nước và rác thải sẽ cơ bản mang đến cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nắm bắt được các nguyên lý xử lý rác thải cơ bản cũng như việc hỗ trợ trao đổi thông tin, kết nối với các nhà nghiên cứu, chuyên gia và chuyển giao công nghệ. Qua đây giúp đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo. |
Mang đến Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên giới thiệu một số công nghệ xử lý nước thải, rác thải, trong đó nhiều công nghệ đã được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn.
Nhóm tác giả Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu công nghệ thiết bị tích hợp hóa lý - sinh học - sinh thái xử lý nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt. Công nghệ này được tích hợp từ các công nghệ hóa lý, sinh học và sinh thái nên có ưu điểm nổi trội.
PGS Phạm Văn Trí, Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt. |
GS.TS Nguyễn Văn Cách, Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam. Giải pháp sử dụng công nghệ ủ sinh học hiếu khí mới. Nhờ vậy, chất thải rắn sinh hoạt được ủ sinh học; sau khi sấy, sàng, phân loại sẽ trở thành mùn hữu cơ phục vụ sản xuất phân bón. Giải pháp này đã được tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cấp bằng sáng chế độc quyền.
Nhóm nghiên cứu Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên giới thiệu công nghệ xử lý nước ao hồ tù đọng, ô nhiễm. Công nghệ này tập trung vào việc hình thành đất ngập nước nhân tạo, sử dụng men vi sinh hoặc hóa chất, sục khí tạo môi trường hiếu khí và các giải pháp khác như nuôi cá, nạo vét, thay nước… để xử lý nước ao hồ bị ô nhiễm.
Các đại biểu còn được giới thiệu về công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học; công nghệ và hệ thống thiết bị xử lý đốt rác thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, huyện, tỉnh thân thiện với môi trường; công nghệ và hệ thống thiết bị nhiệt phân xử lý nhựa, nilong, cao su, bao bì, xốp phế thải… để sản xuất nhiên liệu, năng lượng thân thiện; hệ thống xử lý rác sinh hơi của Công ty Môi trường mới Bắc Giang (Sơn Động)… Mỗi công nghệ đều có những ưu điểm riêng nhằm xử lý rác thải, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực môi trường trao đổi các nội dung về điều kiện để tiếp cận với các công nghệ; giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả, giảm nhân công, tiết kiệm chi phí; cách điều chỉnh nhiệt độ khi xử lý rác thải sinh hoạt bằng biện pháp đốt; chính sách ưu đãi dành cho tổ chức, cá nhân làm công việc xử lý, thu gom rác thải…