Phát triển nghề nuôi biển theo hướng bền vững
Vòi rồng cao hàng trăm mét giữa biển Tình hình thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu Vi phạm quy định về nhận chìm ở biển bị phạt từ 5 triệu đến 1 tỉ đồng |
Lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng nhận được rất nhiều sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Nghề nuôi biển đã có sự tăng trưởng đều qua từng năm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa xứng với tiềm năng sẵn có và thiếu sự ổn định, bền vững.
Nuôi cá lồng bè trên biển ở Kiên Giang. |
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang, hiện nay nghề nuôi biển ở Kiên Giang chủ yếu là nuôi cá biển và nuôi nhuyễn thể, nhưng còn nhiều những khó khăn, bất cập, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Cá biển là đối tượng nuôi chính theo hình thức nuôi lồng bè trên biển. Vùng nuôi tập trung quanh các đảo thuộc các huyện Phú Quốc, Kiên Hải và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, TP. Hà Tiên.
Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 3.464 lồng nuôi cá trên biển, đạt hơn 80% kế hoạch, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018; dự kiến sản lượng cá thu hoạch năm 2019 hơn 3.500 tấn. Nuôi nhuyễn thể được tập trung ở các địa phương ven biển như An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương và TP. Hà Tiên. Năm 2018, diện tích nuôi nhuyễn thể gần 21.800 ha, sản lượng đạt trên 66.000 tấn. Dự kiến, năm 2019, diện tích nuôi nhuyễn thể toàn tỉnh hơn 22.700 ha, sản lượng ước đạt trên 78.100 tấn.
Tỉnh bố trí nuôi biển ở các huyện, thành phố có biển, đảo và quần đảo gồm Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, TP. Hà Tiên, ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy định về nuôi biển. Đáng chú ý phải kể đến nghề nuôi trai cấy ngọc nhân tạo tại Phú Quốc. Chất lượng viên ngọc trai Phú Quốc được giới chuyên môn đánh giá rất cao và lĩnh vực ngành nghề nuôi trai cấy ngọc đã mang lại nét đặc trưng độc đáo cho huyện đảo Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến đảo ngọc.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Kiên Giang, nghề nuôi biển của Kiên Giang mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thiếu chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư phát triển, hạ tầng phục vụ nuôi biển nhiều bất cập. Tỉnh đang thiếu các nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp, chế biến xuất khẩu cá thương phẩm và cơ sở sản xuất giống cá biển phục vụ nghề nuôi. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn yếu, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Tổ chức sản xuất đa số manh mún nhỏ lẻ, thô sơ, chủ yếu nuôi trong hộ ngư dân, sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững (nguồn lợi, môi trường, dịch bệnh, tính chủ động…); đặc biệt, nuôi nhuyễn thể ven bờ dễ bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và bão, áp thấp nhiệt đới và bệnh trên đối tượng nuôi xảy ra còn khá nhiều gây khó khăn, thiệt hại trong quá trình nuôi.
Định hướng đến năm 2020, Kiên Giang sẽ có 3.000 lồng nuôi cá biển (cá mú, cá bóp, cá chim trắng, cá hồng mỹ…); 16.800 ha nuôi nhuyễn thể (sò huyết, sò lông, hên biển, nghêu, vẹm…) và 60.000 ha nuôi cua biển với các hình thức chuyên canh, xen canh. Để xứng với vị trí đầu tàu của cả nước về nuôi biển, chủ trương của ngành Nông nghiệp Kiên Giang trong thời gian tới sẽ triển khai đề án phát triển nuôi biển hợp lý, khoa học theo hướng hiệu quả, bền vững; bố trí, sắp xếp lồng nuôi và nuôi nhuyễn thể an toàn, phù hợp với quy hoạch du lịch, giao thông đường biển; phù hợp với cảnh quan, môi trường sinh thái, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân trong vùng và phát triển kinh tế biển Kiên Giang.
Trước mắt, tỉnh lập đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, hiệu quả đến năm 2030; trong đó, đánh giá đúng, đủ các nguồn lực phát triển nuôi biển của địa phương trong mối liên hệ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển đảo. Xây dựng các phương án nuôi biển cụ thể, hiệu quả gắn với những giải pháp đồng bộ khả thi; kết hợp phát triển nuôi biển với dịch vụ thủy sản và du lịch.