Quản lý rác thải nhựa bằng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh
Thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản về nghiên cứu quản lý rác thải nhựa đại dương |
Ông Tạ Đình Thi phát biểu khai mạc hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm.
Rác thải nhựa đại dương không chỉ là vấn đề lớn, phức tạp ở mức độ quy mô, phạm vi mà còn cả về mặt tri thức, hiểu biết cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi, đặc biệt là những tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế-xã hội, môi trường, các loài sinh vật và các hệ sinh thái biển, cũng như sức khỏe con người.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới sản xuất trung bình khoảng 300 triệu tấn nhựa, trong đó có hàng tỉ chai nhựa và hơn 5 tỉ túi nilon. Sau khi sử dụng, chỉ khoảng 27% lượng nhựa này được xử lý và tái chế, lượng còn lại tồn tại trong môi trường và đi vào các đại dương, nơi chúng sẽ tồn tại vài trăm năm mới phân hủy hết và trở thành một phần thức ăn không mong muốn đầu độc và giết chết các loài sinh vật biển.
Các nhà khoa học dự báo, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Theo ghi nhận của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), hơn 270 loài được ghi nhận bị tổn thương do vướng phải đồ nhựa và hơn 240 loài được ghi nhận là ăn phải đồ nhựa.
Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới và là 1 trong 5 quốc gia xả thải nhựa nhiều nhất thế giới.
Trên thế giới đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm quản lý hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, từ việc hoàn thiện hệ thống thể chế và chính sách pháp luật đến các hoạt động thu gom, xử lý rác thải nhựa với sự tham gia sâu rộng của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cộng đồng và doanh nghiệp.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. |
Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ và triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa, như sáng kiến các nước G7 cần thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa; đề xuất thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển, đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển vì các đại dương xanh.
Ông Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Để thực hiện các cam kết quốc tế và trong khu vực của Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Ngày 9/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phát động thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai quyết liệt việc thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Túi nilon, vật liệu xốp tồn đọng ở khu dân cư xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa nói chung và hạt vi nhựa nói riêng; các tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái, sinh vật và sức khỏe con người. Các đại biểu cũng chia sẻ các giải pháp quản lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
Hội thảo góp phần kết nối, khởi động cho các chương trình hợp tác nghiên cứu về giải pháp và chính sách quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa của Việt Nam với các đối tác quốc tế trong thời gian tới.