Thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản về nghiên cứu quản lý rác thải nhựa đại dương
Buổi làm việc với sự tham dự của ông Nguyễn Đình Tích, Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật và Phân tích Môi trường (EATC), cùng đại diện phía cơ quan nghiên cứu môi trường Nhật Bản: Ông Hiroshi KATO, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Ông Mitsuru OKAI, Tổng Giám đốc JNK.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Hiroshi KATO, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cơ quan tư vấn và nghiên cứu môi trường Nhật Bản (JNK) đã giới thiệu khái quát về cơ quan nghiên cứu môi trường Nhật Bản (JNK) và trình bày Đề án từ kinh nghiệm của Nhật Bản về quản lý rác thải nhựa trên biển. Ông Hiroshi KATO cho biết, JNK không chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra môi trường biển, điều tra về rác thải nhựa đại dương mà công ty mẹ của JNK là Janus và Kanso còn có kinh nghiệm cùng bề dày lịch sử hoạt động trong lĩnh vực này từ rất lâu tại Nhật Bản.
“Dựa vào kinh nghiệm thực tế đó, phía JNK đã phối hợp với EATC thiết lập chương trình điều tra khảo sát môi trường biển và rác thải nhựa trên biển tại Việt Nam. Trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế và Nhật Bản sẽ bắt đầu tiến hành những khảo sát liên quan đến Nhật Bản, và điều quan trọng là các hoạt động phải được tiếp tục duy trì tại Việt Nam, chúng tôi nghĩ đến khả năng JNK và EATC hợp tác với nhau và hoàn toàn có thể duy trì tiếp hoạt động này” – Ông Hiroshi KATO nói.
Trong phần trình bày về Đề án kinh nghiệm từ Nhật Bản, phía JNK cũng đã khái quát một số nội dung chính về các dự án JNK đã thực hiện; mối quan hệ hợp tác giữa EATC và JNK; thực trạng về rác thải nhựa trên các vùng biển Việt Nam; Tiếp cận với các vấn đề rác thải nhựa trên biển bao gồm rác thải nhựa ở vùng biển của Nhật Bản. Đồng thời phía JNK cũng đưa ra một số nội dung thảo luận liên quan đến nguồn phát sinh rác thải trên biển, cùng với đó là phương pháp thu gom, xử lý và tăng cường các hoạt động tuyên truyền.
Thông qua các nội dung đã trao đổi, phía JNK cũng chủ động đưa ra Đề án lựa chọn khu vực khảo sát bờ biển Việt Nam, cùng với đó là xây dựng kế hoạch địa phương dựa trên kết quả khảo sát.
Sau khi nghe các ý kiến và tham luận của đoàn chuyên gia Nhật Bản tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn tới đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi, trong thời gian qua, phía cơ quan nghiên cứu môi trường Nhật Bản đã có những quan tâm, đóng góp rất tích cực trong các vấn đề liên quan đến môi trường tại Việt Nam. Tổng cục trưởng cũng cho biết, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan điều phối về môi trường của Nhật Bản, dự kiến trong thời gian sắp tới phía Bộ TN&MT cũng sẽ có buổi làm việc với Bộ Môi trường Nhật Bản về rác thải nhựa đại dương.
Năm 2018, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thông qua chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Văn kiện này, phía Việt Nam cũng có sự tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt là của Nhật Bản. Ban chỉ đạo chiến lược trước khi thông qua cũng đã có chuyến tham quan và khảo sát tại Nhật Bản. Chiến lược với mục đích nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Theo Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi, thông qua phần giới thiệu của Ông Hiroshi KATO, có thể thấy rằng vấn đề môi trường biển của Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết và cần phải có giải pháp hợp lý để bảo vệ môi trường sống của con người, phía Việt Nam cũng đang thiết lập các thể chế và chính sách để quản lý chặt chẽ vấn đề này. Tổng cục trưởng cho rằng, đây là những nội dung rất hữu ích và có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các bên.