Quốc hội nghe báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 2019

04/11/2019 16:32 Tăng trưởng xanh
Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.
Chính phủ triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tư pháp Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với TP HCM về phòng, chống tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2019, Năm 2019, công tác PCTN đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đã chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu các chỉ số về tham nhũng trong giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Nghiêm túc, khẩn trương thi hành Luật PCTN, Luật tố cáo, Luật thi hành án Hình sự..., tăng cường bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; định kỳ đánh giá tình hình, kết quả công tác và việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN.

quoc hoi nghe bao cao cong tac phong chong tham nhung 2019
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh quochoi.vn

Trong năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh. Trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng, ban hành, hoàn thiện kịp thời, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đơn giản hoá điều kiện kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước; tổ chức giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông... Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 cho thấy: Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước đạt 82,99%.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực, nhất là các chế độ, định mức, tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sán, quản lý đầu tư, tài chính, tài sản công. Việc kê khai tài sản, thu nhập tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng truyền thống tốt đẹp để đưa hối lộ, tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2019, có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 03 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các biện pháp tăng cường phòng, chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

quoc hoi nghe bao cao cong tac phong chong tham nhung 2019
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo - Ảnh quochoi.vn

Nhìn chung, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, kiểm tra về PCTN tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh. Chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được tăng cường, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn. Công tác phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được mở rộng và có sự điều chỉnh để khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện. Các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp được chú trọng và triển khai rộng rãi. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Đáng chú ý trong nhiều vụ án được mở rộng điều tra, làm rõ yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt để khởi tố thêm tội tham nhũng. Việc thu hồi tài sản ngay trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng năm 2019 đạt kết quả tích cực và có sự tiến bộ rõ nét. Các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ hơn trong PCTN.

Dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Phương hướng, nhiệm vụ trong 2020

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2020, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội, trọng tâm là triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về PCTN; tổ chức thi hành Luật PCTN năm 2018; Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng.

Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là đối với việc thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN.

Đồng thời, đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động tố tụng; kiên quyết, khẩn trương áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường các biện pháp tương trợ tư pháp quốc tế, dẫn độ tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá, tổng hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu về kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đáp ứng các tiêu chí đánh giá công tác PCTN theo quy định của Luật PCTN năm 2018.

Cùng với đó, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường phối hợp, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật PCTN năm 2018; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác PCTN.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo công tác PCTN năm 2019, Chính phủ trân trọng báo cáo Quốc hội.

Theo QH
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động