Quy hoạch tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững

02/03/2024 08:42 Địa phương
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương và là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững
Ngày 01/03, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc “Năm Quốc gia phục hồi đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024”.

Tại buổi Họp báo, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quang Nam thông tin, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam; là cơ sở để điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững, gắn với giữ gìn cảnh quan, da dạng sinh học, bảo tồn di sản; phát triển kinh tế hài hòa giữa đồng bằng - miền núi, đô thị - nông thôn; đồng thời, đổi mới sáng tạo, hướng đến tương lai.

Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Nam và vùng không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012; có diện tích tự nhiên 10.574,86 km2; phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp Biển Đông.

Quảng Nam đặt mục tiêu chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: Công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2023; đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững
Quảng Nam tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, kết hợp nội lực với ngoại lực phát triển các ngành dẫn đầu cả nước như công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu; Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp tỉnh Quảng Nam có một số nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, có thương hiệu quốc tế, phát triển ổn định và bền vững; Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia. (Ảnh KCN Thaco Chu Lai).

Có 05 nhóm mục tiêu để thực hiện phát triển đến năm 2030 bao gồm: kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó: mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng (vùng Đông và vùng Tây), hai cụm động lực (Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc; Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh), ba hành lang phát triển (Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh; Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang).

Mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế - xã hội giữa vùng đông và vùng tây. Ngoài ra, hình thành các cụm động lực để hỗ trợ cho nhau, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế.

Để hiện thực hoá các quan điểm, mục tiêu phát triển của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần thực hiện tốt các giải pháp thực hiện quy hoạch.

Nằm ở vị trí chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung - một trong những vùng kinh tế phát triển sôi động nhất cả nước, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia lớn trên thế giới. Phía Bắc là thành phố Đà Nẵng (trung tâm kinh tế - chính trị- văn hóa lớn nhất của miền Trung), phía Nam là KKT Dung Quất, đồng thời là cửa ngõ ra biển đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên, Trung và Nam Lào, tỉnh Quảng Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, giao lưu kinh tế, văn hóa với cả nước và quốc tế.
Nguyễn Nhàn - Nguyễn Điềm
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động