Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ phân loại chất thải sinh hoạt

11/11/2022 08:48 Quản lý nguồn thải
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn yêu cầu TP. Thủ Đức và các quận, huyện trực thuộc tùy tình hình thực tế gửi đề xuất thời điểm triển khai nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước ngày 20/11.

Để đảm bảo phân loại rác tại nguồn đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện, TP. Thủ Đức làm việc với các đơn vị thu gom tại nguồn (đặc biệt là lực lượng rác dân lập), đơn vị vận chuyển rác trúng thầu tại địa phương để rà soát lại các phương tiện vận chuyển, các điểm hẹn, trạm trung chuyển... đảm bảo nguyên tắc rác sau khi phân loại phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển riêng biệt đến các cơ sở xử lý nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.

Tùy theo tình hình thực tế, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đánh giá từng nhóm khối lượng rác sau phân loại phát sinh; năng lực của đơn vị thu gom vận chuyển để nghiên cứu xây dựng các điểm lưu chứa rác sau phân loại tại các khu vực công cộng.

Các địa phương thống kê khối lượng và thành phần rác tái chế sau phân loại phát sinh thực tế tại địa phương, thống kê các cơ sở tái chế đang hoạt động tại địa phương (loại hình tái chế và công suất). Đây là cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát việc các cơ sở tái chế hiện nay có đáp ứng các loại rác tái chế của thành phố.

Đối với rác thực phẩm, đây là nhóm chất thải dễ phân hủy phát sinh mùi và nước rỉ rác. Sở yêu cầu ước tính khối lượng của nhóm rác này làm cơ sở để xây dựng tần suất thu gom phù hợp cho từng địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ phân loại chất thải sinh hoạt
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ phân loại chất thải sinh hoạt. (Hình minh họa)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thu gom ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình phân loại rác tại nguồn. Đơn vị thu gom không đủ phương tiện vận chuyển để thu gom vận chuyển riêng các loại rác sau phân loại dẫn đến tình trạng người dân phân loại nhưng đơn vị thu gom lại gộp chung trong quá trình vận chuyển về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý, đặc biệt trong giai đoạn 2017-2020 khi TP. Hồ Chí Minh triển khai phân loại rác tại nguồn làm 3 loại.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cũng lưu ý các địa phương thời gian thực hiện phân loại rác thành 3 nhóm phải trước ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.

Trước đó, năm 2021, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã có quyết định sửa đổi sửa đổi cách phân loại rác thành hai nhóm gồm nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, rác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Tại Nghị định 45/2022 (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022) có nội dung hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng./.

Phạm Sinh - Trường Giang

Trường Giang
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động