Tái chế phế phẩm để hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh
Phấn đấu 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý để phát điện hoặc tái chế vào năm 2025 |
Sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. |
Theo tính toán, trung bình, nguồn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm của thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 900.403 tấn rơm rạ, 180.073 tấn trấu, 90.037 tấn cám và 205.650 tấn thân lá từ cây ngô, 41.467 tấn thân lá cây đậu tương. Chỉ tính phụ phẩm của các cây trồng chính là lúa và ngô cho thấy, khối lượng phụ phẩm khoảng 1,5 triệu tấn.
Ngoài ra, đối với các loại cây trồng khác như rau màu, lượng phế thải trên đồng ruộng cũng rất lớn. Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, phụ phẩm gồm: Chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí… Trong đó, chất thải rắn như phân, thức ăn chăn nuôi; chất thải lỏng có nước thải; chất thải khí phát sinh từ quá trình chăn nuôi…
Qua khảo sát, toàn thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 32 triệu con, khối lượng chất thải rắn từ chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 11,4 triệu tấn. Đây là nguồn chất thải có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế cho thấy, với nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào chủ yếu là lúa, ngô, đậu tương, rau màu, những phụ phẩm như này hoàn toàn có thể chế biến làm thức ăn cho ra gia súc và cách chế biến cũng đơn giản, phổ biến như: Ủ rơm khô dạng cuộn với u-rê trong túi; ủ rơm tươi với u-rê theo phương pháp đóng bánh, ủ men phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò thịt…
Thời gian qua, ở một số huyện khu vực ngoại thành có số lượng đàn gia súc lớn, nông dân đã sử dụng, chế biến rơm rạ, thân cây ngô, phụ phẩm xay xát… làm thức ăn nuôi cho trâu, bò và phục vụ trồng trọt. Đơn cử, xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trong trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Áp dụng mô hình này, nông dân địa phương đã giảm số lần bón phân và không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Tại nhiều doanh nghiệp và địa phương trên địa bàn thành phố cũng áp quy trình tận dụng mọi phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để chế biến thức ăn cho trâu, bò. Rơm rạ, lõi ngô, thân lá cây ngô, thân cây đậu, thân cây lạc, cỏ… sau thu hoạch được thu gom và được ủ bằng các loại men vi sinh là nguồn nguyên liệu phong phú để phục vụ chăn nuôi. Đơn cử, Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội nhiều năm qua đã thu mua rơm rạ ủ với men vi sinh, tạo được nguồn thức ăn tại chỗ phục vụ chăn nuôi bò thịt của công ty. Với HTX Nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm trong môi trường sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Còn tại huyện Ba Vì, tận dụng lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc lớn, Hội Nông dân xã Ba Trại xây dựng mô hình thu gom phế thải từ chăn nuôi bò, lợn, gia cầm để xây dựng hầm khí biogas dùng làm chất đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngày và làm chất đốt phục vụ chăn nuôi.
Sử dụng phế phụ phẩm nói trên không những góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn hướng đến xây dựng mô hình và xây dựng chương trình tăng trưởng xanh cho thành phố Hà Nội.
Hiệu quả từ sử dụng phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp là khá rõ, góp phần tăng thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay, kể cả nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa biết tận dụng và ứng dụng các thành tựu khoa học để chế biến phụ phẩm nông nghiệp, gây lãng phí nguồn phế phẩm và giảm thu nhập khi phải bỏ ra các khoản chi phí phục vụ sản xuất.
Để sử dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hữu ích, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, các cấp, các ngành thành phố cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp hiệu quả, hướng dẫn nông dân áp dụng. Trong đó, chú trọng triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông nghiệp trong trồng nấm, đậu tương, khoai tây… Cùng với đó, có cơ chế, chính sách đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là tại các địa phương có diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi lớn.
Đồng thời, các sở, ngành thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình sơ chế, chế biến công nghệ để tái sản xuất theo hướng công nghệ cao.