TP. Hồ Chí Minh:

Phấn đấu 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý để phát điện hoặc tái chế vào năm 2025

12/12/2019 16:29 Quản lý nguồn thải
Trước những tồn tại trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá lại toàn bộ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và đưa ra những giải pháp chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ.
TP. Hồ Chí Minh: Bài toán rác đã có lời giải?
phan dau 80 chat thai ran sinh hoat duoc xu ly de phat dien hoac tai che vao nam 2025
Tham quan mẫu xe thu gom rác đạt chuẩn.

Mỗi ngày, TP. Hồ Chí Minh phát sinh 9.000 tấn CTRSH. Đặc biệt, vào những ngày Lễ, Tết, lượng rác thải có thể lên trên 10.000 tấn/ngày. Mỗi năm, Thành phố phải chi hơn 2.000 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Cùng với đó là 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại phát sinh hàng ngày trong Thành phố. Chính bởi vậy, vấn đề xử lý rác thải và mùi hôi trên địa bàn là một trong những bài toán gây đau đầu cho các cấp lãnh đạo.

Được biết, TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn “xốc” lại toàn bộ quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

UBND Thành phố đã ban hành các chính sách và văn bản pháp lý hướng dẫn thống nhất thực hiện quy định phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập; chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH; hướng dẫn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH trên toàn địa bàn. Đặc biệt, Thành phố đã đặt chỉ tiêu đến cuối năm 2020, 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.

Mới đây, UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh nội dung đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đề ra chính sách, giải pháp giảm phát thải bình quân đầu người dân Thành phố; định hướng sắp xếp các điểm tiếp nhận CTRSH trên địa bàn phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nội dung của đồ án phải gắn với quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch xây dựng vùng của Thành phố; phấn đấu đến năm 2025, 80% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện hoặc tái chế, giảm dần và tiến tới không còn chôn lấp.

Chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Cần Giờ cần được định hướng nghiên cứu, vận chuyển về xử lý tại Khu công nghệ môi trường Xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Định hướng đến năm 2025, chất thải rắn được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi), Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) và Khu công nghệ môi trường Xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An); giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2050, chất thải rắn được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu công nghệ môi trường Xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Các bãi chôn lấp cũ của Thành phố như Gò Cát, Đông Thạnh định hướng cải tạo phục vụ công cộng, xây dựng các mảng xanh cho Thành phố có thể là công viên cây xanh. Nghiên cứu quy hoạch trạm trung chuyển chất thải rắn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, tiến tới xóa bỏ các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đông; giảm số lượng, tăng diện tích và công suất của các trạm trung chuyển; giảm điểm hẹn thu gom CTRSH trên đường phố; quy hoạch các trạm trung chuyển chất thải nằm trên các tuyến đường vành đai của Thành phố, thuận lợi giao thông, xa khu dân cư. Nghiên cứu công nghệ ép kín và xây dựng ngầm các trạm trung chuyển. Có giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn công tác xử lý chất thải.

Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn sau khi được Thủ tướng Chính phủ duyệt sẽ được cập nhật vào quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất của Thành phố.

Toàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 42 hợp tác xã vệ sinh môi trường, 283 công ty tư nhân thu gom rác và hiện còn khoảng 1.152 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động thu gom rác trên địa bàn các quận.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động