TP. Hồ Chí Minh: Bài toán rác đã có lời giải?

21/11/2019 11:26 Quản lý nguồn thải
Sau cả chục năm triển khai không hiệu quả, đến nay các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.
Khủng hoảng nhựa "bám rễ" sâu như thế nào?Cùng hành động “Chống rác thải nhựa”Ngày hội thanh niên hành động chống rác thải nhựa
bai toan rac tai tp ho chi minh da co loi giai
Ảnh minh họa

Theo kế hoạch triển khai của quận Gò Vấp, ngay trong năm nay địa phương này sẽ triển khai phân loại rác thải tại sinh hoạt nguồn trên địa bàn 16 phường. Hành vi không phân loại, không lưu trữ rác thải sinh hoạt theo quy định của người dân sẽ bị xử phạt ở mức rất cao, từ 15-20 triệu đồng.

Tuy vậy, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay tại thành phố mới chỉ có 100 trong tổng số 1.700 phương tiện thu gom rác dân lập được chuyển đổi; số còn lại là xe thô sơ, xe lôi, không được ngăn để chứa từng loại rác nên khó có thể đáp ứng việc phân loại rác thải tại nguồn.

Thực tế cho thấy, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại thành phố lâu nay chủ yếu được thu gom hỗn hợp rồi vận chuyển về các điểm tập kết chứ hầu như rác thải sinh hoạt chưa được phân loại trong quá trình vận chuyển. Vấn đề đặt ra là để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các phường và tổ dân phố, khu phố cần yêu cầu người dân tự lưu trữ rác thải sinh hoạt trong nhà, chỉ bỏ rác ra đường sát giờ thu gom và phải có thùng rác đảm bảo vệ sinh.

Gần đây thành phố liên tục chấp thuận cho các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc thay thế công nghệ, mở rộng quy mô các dự án xử lý rác thải theo hướng tự động phân loại và đốt rác để phát điện. Trong đó có những dự án đã được khởi động và được ấn định đưa vào vận hành ngay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trong đó dự án xử lý chất thải rắn của Công ty Vietstar do nhà đầu tư của Mỹ đã đầu tư 120 triệu USD trên diện tích 30ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, hiện đang tiếp tục được đầu tư thêm 275 triệu USD để tăng công suất xử lý rác không chôn lấp từ 2 ngàn tấn/ngày lên 6 ngàn tấn/ngày ngay trong năm 2019.

Dự án điện rác Tasco ở huyện Củ Chi cũng được đầu tư công nghệ của Hà Lan với hệ thống phân loại rác tự động, xử lý rác thải để làm nhiên liệu cho nhà máy điện cũng đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.

Tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa trên diện tích 20ha đã đi vào hoạt động từ năm 2012 với công nghệ xử lý, sản xuất phân bón hữu cơ và tái chế rác thải, công suất tiếp nhận 1.300 tấn rác/ngày cũng đã được DN đầu tư chuyển đổi công nghệ sang đốt rác để phát điện với công suất tiếp nhận, xử lý 2 ngàn tấn.

Như vậy với công suất của 3 dự án rác - điện trên, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 9,2 ngàn tấn/ngày cũng chỉ đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy.

Thời điểm này, khi các dự án rác - điện trên đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, thì đại diện các dự án cũng đã bắt đầu băn khoăn, lo lắng việc đảm bảo lượng rác thải cung cấp cho nhà máy xử lý hằng ngày. Do đó, đến khi cả 3 nhà máy trên được đưa vào hoạt động, TP. Hồ Chí Minh cần chấm dứt việc đưa rác thải về chôn lấp tại bãi rác Đa Phước.

Khi nhiều dự án rác - điện với công nghệ hiện đại, không yêu cầu phải phân loại rác thải tại nguồn đã được đầu tư, gần đây Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố đã điều chỉnh việc phân loại rác thải sinh hoạt thành 2 nhóm, gồm rác thải có thể tái chế và các loại rác thải sinh hoạt còn lại. Trong đó, loại rác thải còn lại phải được thu gom hằng ngày để vận chuyển về các nhà máy xử lý rác. Đối với rác thải có thể tái chế, người đứng đầu thành phố yêu cầu thu gom vào những ngày nhất định trong tuần để chuyển giao cho các nhà máy tái chế.

Trước chỉ đạo này, nhiều nhân viên thu gom rác và chủ đường rác dân lập cho rằng, lượng rác thải có thể tái chế được chuyển về các nhà máy sẽ không còn bao nhiêu bởi nếu đội ngũ lượm ve chai không nhặt, thì nhân viên thu gom rác cũng sẽ lấy.

Lượng rác thải có thể tái chế rất lớn sau đó sẽ được bán cho các vựa ve chai, trước khi được phân loại để bán cho các xưởng tái chế. Khi vấn đề phân loại rác thải tại nguồn không còn quan trọng, thành phố đã chấp thuận gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác đến năm 2025.

Trong đó giai đoạn 2020-2021 các quận nội thành phải hoàn tất việc chuyển đổi, tập trung sắp xếp lại đường dây thu gom rác dân lập; giai đoạn 2020-2025, các huyện ngoại thành phải chuyển đổi phương tiện cho đồng bộ.

Thành phố cũng cho phép các quận, huyện tùy vào tình hình thực tế để đề xuất đầu tư phương tiện thu gom cho phù hợp, không nhất thiết phải cứng nhắc khi chọn lựa mẫu xe thu gom rác mà chỉ cần phương tiện phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo CAND
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động