Khủng hoảng nhựa "bám rễ" sâu như thế nào?

15/11/2019 15:12 Tác động môi trường
Việc con người phụ thuộc quá nhiều vào đồ nhựa khiến cuộc khủng hoảng rác thải nhựa trở nên khó giải quyết. 
Cùng hành động “Chống rác thải nhựa” Nhựa siêu nhỏ - "cơn ác mộng" của loài cá Việt Nam lọt "top" 4 nước thải rác nhựa xuống biển lớn nhất thế giới

Trong thời gian gần đây, hình ảnh những bãi biển ngập rác hay dạ dày cá voi chứa đầy túi nhựa luôn “nóng” trên các phương tiện truyền thông. Rác thải nhựa đã trở thành “tội đồ” của thời đại ngày nay. Phong trào chống rác thải nhựa bùng nổ ở mọi nơi, các nhà lập pháp và chính phủ cũng đã phải vào cuộc.

khung hoang nhua bam re sau nhu the nao
Rác thải nhựa trôi nổi trên biển.

Trong khi đó, ngành công nghiệp nhựa – đã tồn tại tới gần 100 năm, vẫn kiên quyết bảo vệ “đứa con” của họ, cho rằng nhựa là loại vật liệu thiết yếu trong cuộc sống của con người; nhựa không có lỗi, mà lỗi thuộc về ý thức của người tiêu dùng và hệ thống quản lý chất thải kém...

Theo các nhà sản xuất, nếu không có nhựa, thảm hoạ sẽ đến với toàn ngành y tế và thực phẩm khi nhựa có những ưu điểm vượt trội về độ tiện lợi, giá cả, trọng lượng…; các sản phẩm nhựa dùng một lần có tác dụng đảm bảo vệ sinh trong y tế, bảo quản thực phẩm tươi lâu…

Số liệu về nhựa polymer tổng hợp trong cuốn “Atlas Nhựa” được xuất bản bởi Tổ chức môi trường Heinrich Boll và Phong trào Thoát khỏi Nhựa (Break Free From Plastic Movement) cho thấy, ngành công nghiệp nhựa đã khiến cuộc sống của con người bị phụ thuộc vào sản phẩm của họ.

Trong giai đoạn từ năm 1950 đến 2017, khoảng 9,2 tỉ tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn cầu, tương đương với hơn 1 tấn nhựa/người hiện nay. Từ năm 2000, sản lượng nhựa liên tục tăng “vô tội vạ” và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

khung hoang nhua bam re sau nhu the nao
Hàng chục kg rác thải nhựa được tìm thấy trong dạ dày của một con cá voi đã chết. Ảnh: Forbes.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở nhựa, mà còn do quy trình sản xuất và xử lý chúng; bắt đầu từ khi dầu và khí được khai thác từ lòng đất. Phần lớn số nhiên liệu này được sử dụng để sản xuất ra nhựa. Sau khi được thải ra môi trường, nhựa tiếp tục được thu gom và tiêu tốn nhiên liệu vào khâu tái chế. Phần không thể tái chế sẽ bị thiêu huỷ, giải phóng lượng CO2 và khí độc khổng lồ ra môi trường. Chưa kể tới lượng rác không thể đong đếm đang trôi dạt tại các đại dương, đáy đại dương và các hệ sinh thái khác… Lượng rác không được xử lý hiệu quả, bị chôn lấp cũng làm ô nhiễm môi trường đất và mạch nước ngầm.

Trên thực tế, chỉ có khoảng 10% lượng phế liệu nhựa được tái chế. Ngay cả ở một nước phát triển như Hoa Kỳ, lượng rác thải nhựa được tái chế luôn ở mức dưới 10%.

Theo cuốn Atlas, khủng hoảng nhựa còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới suy giảm đa dạng sinh học, đẩy nhanh biến đổi khí hậu, làm cạn kiệt tài nguyên…

Theo ước tính của các chuyên gia, sản xuất nhựa và thiêu huỷ nhựa có thể làm phát thải 56 tỉ tấn carbon dioxide vào khoảng năm 2050, chiếm 10-13% tổng ngân sách carbon vào giữa thế kỷ (theo các cam kết giảm phát thải quốc tế hiện nay). Vào cuối thế kỷ, con số này có thể lên tới 50%.

Ngoài khí nhà kính, quy trình sản xuất và xử lý phế liệu nhựa còn giải phóng nhiều loại hoá chất độc hại khác vào môi trường. Những hạt nhựa siêu nhỏ (microplastic) phân rã từ rác thải nhựa có khả năng xâm nhập vào phổi và dạ dày của con người thông qua hít thở, ăn uống… Các nhà khoa học thậm chí đã tìm thấy các hạt nhựa này trong phổi của bệnh nhân ung thư.

Phương pháp quản lý chất thải nhựa hiện nay còn kém hiệu quả. Tại các nước phát triển, phế liệu nhựa được thu gom và xuất khẩu sang các nước đang hoặc kém phát triển nằm ở châu Á với danh nghĩa “tái chế”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy họ chỉ đang xả rác sang những nước yếu thế hơn. Phần lớn số phế liệu nhựa này không thể tái chế do quá ô uế, nằm lẫn với thực phẩm dư thừa đang phân huỷ và các loại rác thải không thể tái chế khác như quần áo cũ, bỉm, lốp xe, rác điện tử, hoá chất… Chúng tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn: thiêu huỷ, chôn lấp hoặc chất đống vô vọng, bốc mùi lộ thiên.

Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải vào năm 2017, các nước châu Á khác đã trở thành nạn nhân. Phế liệu nhập khẩu vào các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam năm 2018 tăng đột biến, chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Bỉ và Canada.

khung hoang nhua bam re sau nhu the nao
Hàng chục container rác thải nhựa được Malaysia gửi trả cho các nước phát triển. Ảnh: Getty.

Malaysia đã nhập khẩu tới 750.000 tấn rác thải nhựa vào năm 2018 từ mức 316.000 tấn năm 2017. Thời điểm cuối năm 2018, Indonesia ước tính nhập khẩu tới 35.000 tấn rác mỗi tháng từ Đức, Úc. Tại Việt Nam, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu riêng trong năm 2018 là 9,2 triệu tấn. Tính đến giữa tháng 10, còn tới gần 4.000 container phế liệu còn đang ồn ứ ở các cảng của nước ta.

Trình độ xử lý rác và công nghệ của những nước châu Á này hầu hết đều còn yếu kém, đồng nghĩa với việc quy trình xử lý rác hiệu quả thấp và gây phát thải nhiều hơn. Như vậy, về mặt bản chất, vấn đề về môi trường vẫn không được giải quyết; chưa kể tới tác hại về mặt xã hội, như môi trường sống và sức khoẻ của người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng…

Trước tình hình trên, Malaysia, Philippines,… đã gửi trả hàng trăm tấn rác cho các nước phát triển. Đáng lưu ý là quy trình vận chuyển này cũng tiêu tốn năng lượng và gây phát thải khí CO2.

Khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng nhựa như hai mặt của một đồng xu. Như vậy, để giữ nền nhiệt Trái đất trong tầm kiểm soát, lượng nhựa sản xuất, tiêu thụ và thải ra môi trường cần được hạn chế tối đa thay vì tìm cách tái chế.

Biện pháp bền vững và hiệu quả hơn cả là giảm sản xuất nhựa, đặc biệt là các sản phẩm bao bì và đồ nhựa dùng nhựa dùng một lần. Giải pháp đang được nhiều chính phủ và tổ chức xã hội đưa ra là áp dụng luật Trách nhiệm mở rộng đối với các nhà sản xuất, buộc họ phải thay đổi hệ thống phân phối, chịu trách nhiệm với các sản phẩm của mình ngay cả khi chúng đã được bán ra thị trường, bao gồm cả việc tái sử dụng và xử lý tác hại với môi trường.

Bên cạnh đó là một số điều luật như cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, cấm nhập khẩu rác thải nhựa; hàng loạt phong trào cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hướng đến mục tiêu “không rác thải cũng liên tục được triển khai trên quy mô toàn thế giới.

Diệu Anh
Tham khảo: Eco-Business
Xin chờ trong giây lát...

Hà Nội tiếp sức, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Phiên bản di động