Cùng hành động “Chống rác thải nhựa”
Chống rác thải nhựa - Làm cho thế giới sạch hơn Thủ tướng phát động toàn quốc chống rác thải nhựa |
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững. |
Nhận thức rõ vấn đề này, cùng chung tay với cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm hoạ của ô nhiễm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada; kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (năm 2018); Hội nghị WEF Davos 2019 tại Thuỵ Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Với quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ năm 2011, Chính phủ đã trình lên Quốc hội thông qua Luật thuế Bảo vệ Môi trường, trong đó có quy định túi nilon không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng phải chịu thuế. Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế bảo vệ môi trường.
Đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với rác thải nhựa và túi nilon" (năm 2013); sau đó các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước cũng đã có nhiều rất hoạt động tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn tác hại của việc sử dụng một lần túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn như túi nilon phân hủy sinh học, nhằm kiểm tra kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn trong đó quy định rõ lộ trình, phương thức kiểm soát rác thải nhựa.
Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có thư gửi đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững. Đặc biệt, vào ngày 9/6/2019, tại Lễ ra quân toàn quốc “Phong trào chống rác thải nhựa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặt quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Vấn đề quản lý, xử lý chất thải nhựa và túi ni lông cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch và triển khai các hoạt động quản lý chất thải nhựa, chống rác thải nhựa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ ký cam kết tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa” với đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội siêu thị, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân. Với nhiều giải pháp đồng bộ, nội dung hoạt động phong phú, phong trào chống rác thải nhựa đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Thực tế cho thấy, túi nilon thân thiện với môi trường, các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thể sản phẩm nhựa dùng một (01) lần đang dần có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt đã hiện hữu trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước (Big C, Fivi Mart, Aeon, Coop mart, Vinmart, Maximart, …)
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp chính:
Một là, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hạn chế tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải;
Hai là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông và chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa.
Bốn là, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng 1 lần; hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng.