Chống rác thải nhựa - Làm cho thế giới sạch hơn
Vì môi trường du lịch không rác thải nhựa Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thế giới Phát động cuộc thi báo chí viết về "Nói không với rác thải nhựa" |
Đó là lời kêu gọi hành động "Vì một thế giới sạch hơn" của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 diễn ra sáng 12/9, tại thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) với chủ đề "Hành động địa phương, tác động toàn cầu". Chương trình do Bộ TN&MT phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND TP Hải Phòng cùng tổ chức.
Tham dự còn có Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa; Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cùng hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND TP Hải Phòng, đại diện các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP Hải Phòng.
Các đại biểu và đông đảo nhân dân cùng dọn vệ sinh dọc bờ biển Đồ Sơn, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. |
Cấp bách chống rác thải nhựa
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, cùng với 130 quốc gia trên thế giới, Việt Nam tổ chức Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019. Chủ đề năm nay là "Hành động địa phương, tác động toàn cầu", trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
Thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng đề nghị, các cấp, ngành, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng hành động, triển khai thực hiện các hoạt động như: Không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định...
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại lễ phát động. |
Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Bộ TN&MT cũng đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Đặc biệt, mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố... Trồng thêm nhiều cây xanh; tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng...
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, cần tăng cường hợp tác toàn cầu, khu vực, quốc gia và mỗi địa phương cũng như cần các nhà quản lý, phà phân phối và đặc biệt là người tiêu dùng thông minh... chúng ta sẽ thành công với mục tiêu giảm rác thải nhựa toàn cầu, rác thải nhựa đại dương và rác thải nhựa tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu. |
Chung tay hành động, tạo sức lan tỏa lớn
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, phụ nữ chiếm trên 50% dân số, là lực lượng quan trọng trong tất cả các khâu của quản lý rác thải nhựa, từ sản xuất, sử dụng, thu gom đến phân loại, tái chế cũng như trong tổ chức phân loại rác tại nguồn và giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại hộ gia đình và cộng đồng. Với mạng lưới tổ chức đến tận các thôn bản, hơn 104 nghìn Chi hội trưởng, 245 nghìn tổ trưởng và hơn 19 triệu hội viên; hội viên, phụ nữ và Hội Phụ nữ các cấp là lực lượng quan trọng trong giảm thiểu tình trạng môi trường "ô nhiễm trắng".
Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" do Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã cam kết và tích cực thực hiện các hoạt động nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần trong toàn hệ thống Hội và hội viên, phụ nữ cả nước, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Nhiều mô hình, cách làm hay tại địa phương đã được xây dựng và nhân rộng như mô hình "Gạch sinh thái", "Phụ nữ xử lý rác thải văn minh - biến rác thành tiền", "Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt"; "Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường", "Tổ phụ nữ thu gom rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật…".
Các học sinh được trao Giấy chứng nhận tại cuộc thi vẽ tranh "Tương lai không rác thải nhựa" |
"Với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể của các cấp Hội, đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về chống rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp" - bà Nguyễn Thị Tuyết đánh giá.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho hay, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở các cấp sẽ tập trung tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa; xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách, cơ chế phù hợp giúp phụ nữ thu gom, tái chế rác thải nhựa thuận lợi, trong đó có hướng tới việc tham gia bảo hiểm y tế của phụ nữ trong lĩnh vực này.
Về phía TP Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam cũng thông tin, song hành cùng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố cũng đặc biệt quan tâm chú trọng công tác bảo vệ môi trường, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: Kiện toàn và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn, đặc biệt là giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường…
Các đại biểu và đông đảo nhân dân cùng dọn vệ sinh dọc bờ biển Đồ Sơn |
Để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức của người dan cùng tham gia bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn thành phố, thay mặt lãnh đạo Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam kêu gọi toàn thể nhân dân, các tầng lớp trong xã hội tích cực hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 219.
"Hãy có những hành động cụ thể, thiết thực trong tiêu dùng hàng ngày, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ môi trường vì một nền kinh tế xã hội phát triển bền vững, hướng tới xây dựng Hải Phòng đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bên vững, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, và trở thành TP có trình độ phát triển cao trong nhóm các TP hàng đầu Châu Á và thế giới tầm nhìn đến năm 2045" - Phó Chủ tich UBND TP nói.
Cũng tại lễ phát động, Ban tổ chức đã trao giải cho các học sinh đạt giải Nhất - Nhì - Ba tại cuộc thi vẽ tranh "Tương lai không rác thải nhựa". Sau đó, các đại biểu và đông đảo nhân dân đã cùng tham gia dọn vệ sinh dọc bờ biển Đồ Sơn, truyền đi thông điệp của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay. |