Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thế giới

06/09/2019 09:56 Quản lý nguồn thải
Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường của Pháp vừa công bố, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, khi lượng phế thải nhựa nhập khẩu tăng 200% trong năm 2018.

Báo cáo dựa trên dự án điều tra phối hợp giữa công ty nghiên cứu của Pháp là Ipsos với EuroCham. Theo đó, tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại Việt Nam tăng rất nhanh từ 3,8kg lên 41kg trong giai đoạn 1990-2015. Tương ứng với mức tăng trưởng 10% hàng năm.

Tiêu thụ chất thải nhựa của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới và trong hơn 1,8 triệu tấn nhựa thải ra ở Việt Nam mỗi năm và chỉ 27% túi nhựa được tái chế. Đáng chú ý, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới khi lượng phế thải nhựa nhập khẩu về đã tăng 200% trong năm 2018.

viet nam co nguy co tro thanh bai rac the gioi
Rác thải nhựa tại một bãi biển - ảnh MH.

Báo cáo cũng đưa ra những kỳ vọng cho Việt Nam, như: Việt Nam có các điều kiện phù hợp cho các đột phá trong lĩnh vực bao bì thay thế, hoạt động cộng đồng và các phương pháp mới trong việc tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu để loại trừ bao bì nhựa sử dụng một lần và cấm sử dụng sản phẩm này tại các cửa hàng, siêu thị và chợ vào năm 2021 và trên phạm vi toàn quốc vào năm 2025.

Tuy nhiên, việc triển khai các mục tiêu này gặp những cản trở vì thiếu hệ thống pháp lý hiệu quả, thiếu sự thông báo, hướng dẫn rõ ràng đến cộng đồng, và mức thuế không đủ mang tính răn đe cho toàn thị trường.

Ông Gordon Milne, đại diện của tổ chức trên cho biết, các nhà bán lẻ cũng đang chuyển hướng sang việc sử dụng những sản phẩm đóng gói thân thiện với môi trường như lá chuối và túi nhựa sinh học và tại các cửa hàng thân thiện với môi trường, những trạm nạp lại sử dụng bao bì không chứa nhựa của người tiêu dùng cho xà phòng và dầu gội đang ngày càng trở nên phổ biến.

Báo cáo nói trên được thực hiện trên kết quả nghiên cứu trực tuyến với số mẫu 17.000 trên toàn thế giới và 3.900 mẫu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

M. Anh (T/H)
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động