Tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Tăng trưởng xanh, một xu thế tất yếu
Hiện nay, xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp. Từ việc các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội xảy ra liên tiếp, biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, do vậy tăng trưởng xanh được coi là một chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Điều này cũng khẳng định mối quan hệ giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế này.
Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, như cách tiếp cận theo từng khu vực của nền kinh tế hay cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực, chẳng hạn như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.
Tại Việt Nam, chương trình Tăng trưởng xanh được cụ thể hóa qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gồm: (1) Xanh hóa sản xuất, thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch”, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; (2) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.
Động lực mới của nền kinh tế xanh là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ cao đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau - kinh tế nâu” (Kinh tế nâu là nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe doạ cuộc sống con người) và có hiệu quả về mặt dài hạn. Theo báo cáo nghiên cứu của UNEP, với các biện pháp đầu tư xanh và sử dụng số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (tương đương 1.300 tỷ USD) thì trong dài hạn sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu trên cơ sở duy trì và phục hồi được các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn.
Tác động của CMCN 4.0 tới chiến lược “tăng trưởng xanh”
Đối với Việt Nam, việc xây dựng và thực hiện chiến lược “Tăng trưởng xanh” đang có không ít cơ hội và thách thức, đặc biệt trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra đồng thời. Về cơ hội, Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu đặc biệt là quản lý ở cả nền kinh tế, hệ thống chính quyền các cấp, tất cả các ngành lĩnh vực, ở các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình.
(1) Có khả năng phát triển các công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Trong nền kinh tế xanh, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, ít phát thải là một yêu cầu tất yếu, đây là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của doanh nghiệp hiện nay, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang lại hiệu quả của nền kinh tế xét trong dài hạn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Với sự xuất hiện CMCN 4.0 thì nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất buộc các doanh nghiệp phải quan tâm, phát triển, nó sẽ đem lại hiệu quả vô cùng tích cực, không chỉ làm tăng công suất, giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, việc xóa bỏ các hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc CMCN 4.0 với các công nghệ thế hệ mới đã và sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ.
Cuộc CMCN 4.0 mà chúng ta vừa bước vào sẽ tạo ra một thế giới mà ở trong đó các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt. CMCN 4.0 không đơn thuần chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Từ góc độ sản xuất, trong dài hạn, CMCN 4.0 trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) sẽ thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất làm tiêu tốn ít nguồn lực hơn.
Cuộc CMCN 4.0 đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhờ những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng (cả sản xuất cũng như sử dụng), vật liệu, Internet vạn vật, người máy, ứng dụng công nghệ in 3D (hay còn được gọi là công nghệ chế tạo đắp dần, có ưu việt là giúp tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí lưu kho hơn nhiều so với công nghệ chế tạo cắt gọt truyền thống v.v… đã giúp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm, rủi ro môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững.
CMCN 4.0 mở ra một kỉ nguyên với sự phát triển theo hướng phi tuyến tính thì nhu cầu sử dụng năng lượng của con người càng lớn, phát triển và thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) là một xu thế tất yếu. Các nguồn năng lượng sạch gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối... Hầu hết các nước trên thế giới đều quan tâm đến nguồn năng lượng tái tạo, đi đầu là các nước Âu Mỹ, đứng đầu là Đan Mạch, Phần Lan. Đây là một bước nhảy vọt của sự tiến bộ về việc sử dụng và phát triển nguồn năng lượng. Nó đang và hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như tới kinh tế Việt Nam.
Đối với năng lượng tái sinh, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, Việt Nam có lợi thế đối với hai loại hình năng lượng này bởi chi phí của nó không quá cao. Việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường và sự phụ thuộc vào bên ngoài đối với thủy điện, nhiệt điện, dầu khí và điện hạt nhân. Việt Nam với đường bờ biển dài 3.260 km, có tổng bức xạ năng lượng mặt trời vào khoảng 5kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam và vào khoảng 4kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc với trị số tổng xạ khá lớn từ 100 - 175 kcal/cm2/năm, năng lượng gió ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2/năm; nước ta có tiềm năng rất lớn về 2 nguồn năng lượng tái tạo này.
Có thể nói những tiến bộ của con người với việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, các nguồn nguyên liệu mới và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra các công nghệ sản xuất hiệu quả cao, ít phát thải đã góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế xanh, đây là một xu hướng đổi mới tất yếu về bảo vệ môi trường trong thời đại của cuộc CMCN 4.0.
(2) Ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong giám sát tài nguyên và môi trường.
CMCN 4.0 tạo ra xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) vàcáchệthốngkếtnối Internet (IoS) đó là sự phát triển của internet kết nối vạn vật với một hệ phát triển logic phi tuyến tính. Sự phát triển này có vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Các công nghệ này đã được ứng dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Như các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên; hệ thống trạm quan trắc thời tiết tự động phục vụ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Đây là một sản phẩm được tích hợp công nghệ mới của các lĩnh vực điện, điện tử và công nghệ thông tin vào tự động hóa trong phòng cháy, chữa cháy rừng mang lại triển vọng trong quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất lâm nghiệp chính xác ở Việt Nam.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao của CMCN 4.0 song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ. Kỷ nguyên số với các công nghệ mới, nền tảng điều hành mới sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động quản lý Nhà nước về công nghệ, thẩm định và chuyển giao công nghệ các dự án đầu tư theo hướng đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, đồng thời phải kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để đảm bảo gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.
(3) Phát triển kinh tế xanh thông qua ứng dụng công nghệ
Nhờ CMCN 4.0 mà kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn. Rõ ràng CMCN 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của sự lựa chọn các phương án sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực; thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả; tạo bước đột phá về tốc độ phát triển cũng như làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất và hoạt động quản trị xã hội cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistic thông minh... giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
(4) Nguồn lực đầu tư còn hạn chế cả từ khu vực nhà nước và tư nhân.
Xanh hoá nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực cũng như cách thức điều phối hiệu quả của các hoạt động đề ra. Thách thức về tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay là hạn chế nguồn ngân sách để thực thi chiến lược, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn trong bối cảnh khó khăn kinh tế, chưa có những thể chế tài chính. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư từ ngân sách cũng như khu vực ngoài nhà nước cho công nghệ 4.0 theo hướng công nghệ xanh còn hạn chế, ước tính Việt Nam sẽ cần tới 30 tỷ USD (Báo cáo Hội thảo khoa học “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức vào 8/11/2017) và cam kết của Chính phủ thông qua hỗ trợ ngân sách là cần thiết.
Vấn đề liên quan đến doanh nghiệp trong việc thực hiện “xanh hoá sản xuất”. Doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thực thi, mà là chủ thể thực hiện hay trên có chính sách, dưới có đối sách. Tuy nhiên, vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng bộ chỉ tiêu về xanh hoá sản xuất chưa được chú trọng. Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong thực hiện tăng trưởng xanh là nguồn vốn đầu tư cho các công nghệ, dây chuyền sản xuất. Bởi thực tế, đầu tư cho công nghệ và quy trình sản xuất xanh có giá thành không rẻ, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh.
(5) Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững bị ảnh hưởng do trình độ lao động thấp chưa theo kịp với CMCN 4.0
Bên cạnh vấn đề bảo tồn hệ sinh thái và môi trường, sự bất bình đẳng sẽ là vấn đề xã hội lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt trong quá trình khai thác các lợi thế của cuộc CMCN 4.0 để tăng trưởng kinh tế. Cuộc CMCN 4.0 hiện đại có thể khiến cho sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng khi máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người và tạo áp lực lớn lên thị trường lao động.
Dưới tác động của CMCN 4.0, sản xuất chuyển dịch dần từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao.
CMCN 4.0 đặt ra không ít thách thức khi, nhất là sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn nhân lực và thị trường lao động. Các hệ thống máy móc tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, dĩ nhiên tỷ lệ lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng khiến người lao động trình độ thấp hoặc không được đào tạo sẽ bị đào thải. Khi đó, lợi nhuận của kỹ năng giản đơn bị thay thế và giảm mạnh. Nhu cầu nhân công giá rẻ kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu đối với nhân lực trình độ cao và nếu không có giải pháp tổng thể nâng cao kỹ năng của người lao động, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và thất nghiệp.
Trong tương lai, nhiều lao động trong các ngành nghề của Việt Nam có thể thất nghiệp ví dụ như lao động ngành nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp và sửa chữa thiết bị. Điều này dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đã có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây và CMCN 4.0 sẽ làm khuếch đại thêm xu hướng này do lợi nhuận từ kỹ năng cao và quá trình số hóa, tự động hóa tăng mạnh.
Khi nhóm người có thu nhập thấp chiếm đa số và còn chưa được tiếp cận, thụ hưởng các lợi ích trực tiếp từ quá trình tăng trưởng này, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm ảnh hưởng tới tiêu chí xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững của người dân Việt Nam.
(6) Thách thức về quản trị dòng vốn FDI trong mục tiêu tăng trưởng xanh.
Các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 thông qua dòng vốn FDI đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thu hút đầu tư FDI, thị trường khoa học công nghệ, cải thiện đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, tích lũy đầu tư để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ của CMCN 4.0 vào phát triển nền kinh tế.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Số liệu FDI hàng tháng), tính lũy kế đến ngày 20/6/2018, cả nước có 25.953 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 331,24 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 180,74 tỷ USD, bằng 54,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực; Nếu tính theo tỷ lệ % GDP, vốn FDI vào Việt Nam hiện đang vượt Trung Quốc, Ấn Ðộ và phần lớn các nước ASEAN. Mặc dù số lượng lao động được tạo ra trong khu vực FDI là khá cao, nhưng vấn đề tiền lương, thu nhập và nâng cao đời sống xã hội là không đáng kể. Hầu như không có doanh nghiệp FDI nào thực sự ý thức và coi trọng mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao, nâng cao giá trị cho chuỗi cung ứng hay năng lực cạnh tranh cho địa phương.
Trong khi đó, việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cũng vô cùng hạn chế. Các dự án công nghệ cao mang lại nhiều giá trị gia tăng mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong đầu tư FDI và chưa thu hút được công nghệ nguồn… Như vậy, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam dù cao nhưng chưa thực sự có tác động lan toả đến các khu vực kinh tế trong nước, chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút, sử dụng FDI. Mặt khác, số lượng dự án FDI nhiều, nhưng phần lớn có giá trị gia tăng thấp, bởi giá trị giữ lại duy nhất từ các dự án FDI là tạo công ăn việc làm thông qua thu hút lớn lực lượng lao động trình độ thấp, còn lại toàn bộ giá trị gia tăng lại ở nước ngoài.
Nên sửa, đổi một số chính sách
Với những vấn đề nêu trên, chúng ta thấy song song với việc tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây thì Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến CMCN 4.0 đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu. Để tận dụng tốt cơ hội mới và vượt qua thách thức lớn trong việc thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh trong bối cảnh tác động của CMCN 4.0 cần thay đổi các chính sách sau:
(1) Lồng ghép kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh cần phải bao gồm những nội dung liên quan đến cả hai nhóm tăng trưởng xanh và CMCN 4.0, trong đó cần xác định những cơ hội và thách thức liên quan đến CMCN 4.0 như một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh để điều chỉnh những thông số của chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đề ra. Xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trong cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
(2) Tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành có khả năng chịu nhiều tác động) về CMCN 4.0 để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư, qua đó giúp gắn kết giữa mục tiêu tăng trưởng xanh và tận dụng cơ hội của CMCN 4.0.
(3) Cần tăng đầu tư và chi tiêu trong các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực kinh tế xanh như tài chính xanh, đầu tư xanh, ngân hàng xanh. Tiếp nhận dự án FDI vào ngành và sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới; không tiếp nhận dự án thâm dụng lao động, dự án không thân thiện với môi trường.
Ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dịch vụ hiện đại, kết cấu hạ tầng cũng cần coi trọng công nghệ tương lai của CMCN 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn, như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học.