Tây Ninh: Đảm bảo xử lý nước thải đạt cột A theo quy chuẩn quy định trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận
Tây Ninh yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến khoai mì, cao su đảm bảo xử lý nước thải đạt cột A theo quy chuẩn quy định trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận |
Nhiều tồn tại trong các hoạt động xử lý nước thải
Bên cạnh các mặt làm được trong công tác bảo vệ môi trường như: đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến tinh bột sắn - QCVN 63:2017/BTNMT; thực hiện báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sử dụng khí gas thu hồi từ bể phân hủy kỵ khí biogas làm nhiên liệu đốt cho lò sấy bột, bã mì... Tuy nhiên vẫn còn nhiều Doanh nghiệp chế biến tinh bột mì, cao su vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động quan trắc, xử lý nước thải. Đây là nội dung được UBND tỉnh kết luận qua Văn bản số 4993/VP-TH ngày 13/6/2023 về kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 55 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoai mì, cao su trên địa bàn tỉnh; Báo cáo số 61/BC-ĐTTr ngày 22/8/2023 của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 1742/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 55 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoai mì, cao su trên địa bàn tỉnh và kết quả kiểm tra thẩm định, cấp giấy phép môi trường đối với các Doanh nghiệp chế biến tinh bột mì, cao su.
Sau quá trình thanh kiểm tra có thể nhận thấy hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp đã xuống cấp, vận hành không hiệu quả; một số đơn vị vận hành hệ thống xử lý nước thải không đúng quy trình, công nghệ đã thiết kế (không vận hành cụm xử lý hóa lý) dẫn đến nước thải sau xử lý xả thải ra môi trường vượt quy chuẩn quy định (quy định tại điểm d khoản 4 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Nhiều doanh nghiệp không lập nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải (quy định tại điểm g khoản 4 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); chưa tách riêng bùn thải sinh học và bùn thải hoá lý để xử lý (quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); đường ống thu gom, dẫn nước thải về hệ thống xử lý không rõ ràng, minh bạch, để rò rỉ nước thải chảy ra môi trường (quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); chưa lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu vào, đầu ra hệ thống xử lý nước thải (quy định khoản 4 Điều 97 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); chưa lắp đặt thiết bị quan trắc nước dưới đất (quy định tại Điều 16 Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn tự cải tạo, bổ sung các hạng mục công trình xử lý nước thải mà không báo cáo cơ quan cấp phép (quy định tại khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 27 Nghị định 08/2022/NĐ-CP); một số đơn vị còn sử dụng chung hệ thống thu gom, thoát nước mưa với nước thải dẫn đến hệ thống xử lý nước thải quá tải vào thời điểm có mưa (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Về quản lý chất thải: Chất thải rắn thu gom, quản lý chưa đúng quy định (vỏ lụa mì tập trung ở khu vực không chống thấm, không có hố thu gom nước rỉ bơm về hệ thống xử lý nước thải); khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; chưa thực hiện phân loại, dán nhãn chất thải nguy hại, còn để lẫn chất thải nguy hại với chất thải rắn thông thường. Khu vực chứa nguyên liệu mủ tạp không đảm bảo môi trường (để ngoài trời không có mái che, không có mương thu gom nước rỉ từ mủ tạp) (quy định tại điểm e khoản 4 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Song song với đó, số lượng doanh nghiệp chưa xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường còn chiếm tỷ lệ cao; chưa công khai, gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tới UBND cấp xã và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện (quy định tại khoản 5 Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP);
Nhiều doanh nghiệp còn kê khai không đầy đủ nhiên liệu đốt cấp nhiệt cho lò sấy bột và bã mì, sấy cao su; Kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chưa đúng thời gian quy định (điểm a, b khoản 2 Điều 8 Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2023 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải).
Nguyên nhân là do yếu tố chủ quan, các công trình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải đã xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2010 đến nay đã xuống cấp, trong quá trình hoạt động không duy tu, bảo trì định kỳ, không bố trí nhân sự có chuyên môn để vận hành đúng quy trình, công nghệ của hệ thống xử lý nước thải đã thiết kế, từ đó dẫn đến nước thải sau xử lý xả thải ra môi trường vượt quy chuẩn quy định. Chưa bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp làm việc trong Nhà máy theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 để kịp thời thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường khi có thay đổi, điều chỉnh hoặc bổ sung.
Quán triệt chỉ đạo sát sao
Để khắc phục các nội dung nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các chủ Doanh nghiệp thực hiện bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp làm việc trong Nhà máy theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc vận hành các hạng mục công trình của hệ thống xử lý nước thải, đường ống thu gom, chuyển nước thải giữa các hạng mục công trình; có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế các hạng mục, đường ống xử lý nước thải đã hư hỏng, xuống cấp; tiến hành tháo dỡ các đường ống PVC không còn sử dụng hoặc không có liên quan đến việc thu gom, xử lý nước thải. Khi thực hiện việc cải tạo hệ thống xử lý nước thải phải có văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để có ý kiến hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định. Tuyệt đối không được xả nước thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
Kiểm soát việc xây dựng, lắp đặt, vận hành đúng quy trình công nghệ, kỹ thuật đã thiết kế; lập nhật ký vận hành từng ngày, trong đó ghi rõ lưu lượng nước thải đầu vào, đầu ra, khối lượng hóa chất sử dụng, điện năng tiêu thụ, khối lượng bùn thải phát sinh; lắp đặt đồng hồ điện năng cho hệ thống xử lý nước thải.
Yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường đúng theo quy định tại Điều 97 và Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường uy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường chậm nhất đến hết ngày 31/12/2024; tiến hành lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát tài nguyên nước về Sở Tài nguyên và Môi trường đúng theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Yêu cầu các doanh nghiệp hoàn chỉnh hệ thống thu gom và thoát nước mưa, đảm bảo tách riêng hoàn toàn hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước thải. Thực hiện nạo vét, thu gom chất thải tồn đọng trên hệ thống thoát nước mưa, nước thải; thu gom và lưu giữ, xử lý vỏ, lụa, đầu mì, bùn thải đúng theo quy định về xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, trường hợp có phát sinh nước rỉ phải có hố ga thu gom và bơm về hệ thống xử lý nước thải để xử lý; các loại nguyên, nhiên vật liệu, phế liệu phải được bố trí lưu trữ trong kho có mái che, hạn chế rơi vãi và chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa trôi ra môi trường; thực hiện việc phân loại chất thải nguy hại theo quy định, không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải rắn thông thường. Cải tạo khu vực lưu giữ chất thải nguy hại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 36 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Lập kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 108 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; thực hiện công khai kế hoạch và gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tới UBND cấp xã và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện.
Về giấy phép môi trường
Đối với các Doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường thì triển khai thực hiện đầy đủ các nội dụng trong giấy phép môi trường đã được phê duyệt liên quan đến nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, chất thải rắn sinh hoạt, thông thường, chất thải nguy hại.
Đối với các Doanh nghiệp đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định thì triển khai khắc phục các nội dung tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, hoàn chỉnh báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường theo góp ý gửi lại Sở để trình UBND tỉnh cấp phép theo quy định.
Đối với các Doanh nghiệp chưa lập hồ sơ thì nhanh chóng triển khai thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để được thẩm định.
Yêu cầu các Doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các nội dung trên, trong năm 2024 Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các Doanh nghiệp, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.