Tây Ninh: Hướng đến phát triển ngành Công nghiệp môi trường
Tây Ninh đã triển khai hiệu quả nhiều dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị góp phần thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường |
Tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án xử lý nước thải
Theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng phát triển đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 50% trở lên, đến năm 2030 đạt khoảng 53%. Trong đó, mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, các đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt trên 80%.
Quá trình phát triển các đô thị dẫn đến việc tập trung dân số đông và phát sinh lượng nước thải sinh hoạt lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khoẻ của người dân. Do đó, trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án xử lý nước thải nhằm giải quyết vấn đề môi trường.
Việc đầu tư các dự án xử lý nước thải sẽ góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khoẻ người dân, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững đô thị. Từ đó giảm chi phí xã hội trong việc chăm sóc sức khoẻ người dân, giảm thiểu chi phí khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.
Việc xây dựng các Nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn huyện đã giúp công tác quản lý nước thải hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, giảm bệnh tật cho người dân. Nước thải từ các nhà máy, nước thải sinh hoạt của khu vực dân cư lân cận được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi đổ ra môi trường tự nhiên sẽ không gây ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, đất và gây mùi hôi. Việc vận hành nhà máy xử lý nước thải tại khu vực thị trấn Dương Minh Châu sẽ làm cho môi trường và dòng suối Xa Cách được sạch hơn. Đặc biệt, dòng suối Xa Cách này chảy vào kênh Tây - là nguồn cung cấp cho nhà máy nước Tây Ninh cấp nước sạch cho tỉnh.
Trước khi chưa thực hiện dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh, nước thải sinh hoạt từ các hộ dân thải trực tiếp vào hệ thống nước mưa, để tự ngấm xuống đất hoặc thải trực tiếp ra kênh, rạch tự nhiên làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất… Điều này gây ra ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố Tây Ninh nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hoàn thành 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tại 2 huyện Dương Minh Châu, Bến Cầu và đang triển khai đầu tư xây dựng 4 nhà máy ở thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng và huyện Châu Thành. Tổng mức đầu tư của các dự án này khoảng 1.935 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Italia.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư Dự án hệ thống đường ống thu gom, đường ống dịch vụ nước thải, 7 trạm bơm và 1 trạm xử lý nước thải công suất 5.000 m3/ngày/đêm. Dự án giai đoạn 1 sẽ thu gom và xử lý nước thải cho khoảng 8.000 hộ dân, trên các trục đường chính đô thị ở các phường 1, 2, 3, IV. Tất cả nước thải từ hộ gia đình bao gồm nước đen (nước sau bể tự hoại) và nước xám (nước sinh hoạt) sẽ được thu gom và xử lý tại trạm xử lý. Nước sau xử lý bảo đảm loại A sau khi xả ra môi trường (rạch Tây Ninh).
Dự án hoàn thành sẽ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại thành phố Tây Ninh thông qua việc xây dựng các công trình thoát nước, thu gom và xử lý nước thải; tăng cường tính lâu bền của cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ đô thị tại thành phố Tây Ninh; tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư và nhân dân về sinh sống tại thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, góp phần vào hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố và tỉnh Tây Ninh.
Tập trung hướng đến giải quyết khó khăn trong việc quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải
Trong quá trình thực hiện dự án hệ thống đường ống thu gom, đường ống dịch vụ nước thải trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những khó khăn nhất định đến từ việc một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực xây dựng nhà máy. Để có mặt bằng thi công xây dựng, phải sớm di dời những hộ dân này ra khỏi khu vực.
Các tuyến thu gom nước thải sẽ thi công trên lòng đường và vỉa hè nên sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán của người dân; ngoài ra, dự kiến sẽ có di dời vật kiến trúc của người dân xây dựng lấn ra lộ giới đường, vỉa hè làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công với địa phương.
Thời gian qua, các dự án cơ bản đã nhận được sự quan tâm cần thiết từ công tác chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và UBND tỉnh cũng như sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành liên quan, địa phương nơi có dự án và các chủ đầu tư, đơn vị liên quan và đặc biệt là sự chia sẻ, đồng hành của người dân. Bên cạnh những thuận lợi đó, các dự án còn gặp một số khó khăn trong việc thực hiện đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật những dự án khác và các đơn vị kinh doanh hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cây xanh…
Đặc biệt, về công tác đấu nối nước thải, nhiều hộ dân chưa đồng ý đấu nối từ nhà vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải địa phương, với các lý do: bể tự hoại đã được đầu tư hoạt động ổn định và đặt phía sau nhà; nhà có diện tích nhỏ; nhiều nhà liền kề không có khoảng trống để đào đường ống, phải đào nền nhà từ trước ra sau, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh. Các hộ dân chỉ đồng tình đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải khi được Nhà nước hỗ trợ 100%.
Đối với các dự án xử lý nước thải đô thị đang triển khai trên địa bàn tỉnh, khó khăn chủ yếu là công tác thu gom nước thải từ trong hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước chung của khu vực. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hoàn thiện tờ trình để Uỷ ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy định về chính sách hỗ trợ đấu nối trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, tất cả các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiến độ thực hiện theo chủ trương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số dự án vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã và đang có những biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm không vượt thời gian thực hiện dự án.
Nhìn chung, thời gian qua, so sánh với một số địa phương khác trong khu vực, tỉnh Tây Ninh có những chuyển biến lớn trong phát triển đô thị. Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đã vươn lên 2/3 mức trung bình vùng, so với mặt bằng chung đã vươn lên tiệm cận nhóm dẫn đầu. Tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh Tây Ninh đã bứt khỏi nhóm các tỉnh có xuất phát điểm tương tự như Tiền Giang, Long An và Bình Phước (năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 41,8% do thành lập thị xã Trảng Bàng và thị xã Hoà Thành).
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển hệ thống đô thị và hạ tầng bảo đảm tính liên kết vùng về mặt không gian và kinh tế xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, hiện thực hoá tầm nhìn “Tây Ninh xanh”, biến Tây Ninh trở thành địa phương có môi trường sống, làm việc, kinh doanh hấp dẫn, giúp giữ chân dân cư và doanh nghiệp địa phương, song song đó thu hút nhà đầu tư, người lao động, khách du lịch và dân cư. Để đạt được các mục tiêu đó, việc hướng đến phát triển toàn diện ngành Công nghiệp môi trường nói chung và tập trung các nguồn lực đầu tư các dự án xử lý nước thải là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay cũng như trong giai đoạn 2025 - 2030 trên toàn địa bàn tỉnh.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.