Viên nén hiệp đồng từ vỏ trấu và dolomit xử lý rác thải nhựa ven biển
Trước thực trạng thu gom và đốt rác thải nhựa tại một số điểm trường học gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến người dân xung quanh nên 2 học sinh Trương Thành Phúc (lớp 11) và Hoàng Đức Tín (lớp 10) Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) đã nảy sinh ý tưởng tìm giải pháp xử lý hiệu quả. Với sự hướng dẫn của thầy giáo trong nhà trường, nhóm đã nghiên cứu, phát hiện ra một số chất xúc tác và trợ cháy đốt rác thải nhựa, giảm khí thải độc hại và kim loại nặng trong quá trình đốt như: vỏ trấu, mùn cưa, bã mía, rơm rạ…
Thử nghiệm đốt viên nén nhiên liệu để kiểm chứng |
Trong quá trình thực nghiệm, nhóm nhận thấy lượng khí độc hại phát thải giảm khi hàm lượng vỏ trấu tăng. Mẫu hiệu quả nhất là 70% trấu, 30% nhựa. Tuy nhiên, mục tiêu của nhóm là xử lý rác thải nhựa hiệu quả nên không chọn những mẫu có nhiều trấu mà thêm một số chất trợ cháy xúc tác khác khi đốt và tìm các nguyên liệu sẵn có như cao lanh, đá vôi, đá dolomit… Trong 3 nguyên liệu trên, nhóm chọn dolomit vì giảm phát thải kali và clo có trong tro bay. Từ đó, nhóm chế tạo thành công sản phẩm viên nén với hàm lượng chuẩn 62,5% nhựa, 20,8 trấu và 10,7% dolomit…
Khi lò đốt ở nhiệt độ cao, viên nén nhiên liệu cháy nhanh, nhiệt lượng tỏa tốt hơn than đá, giảm hiện tượng tạo cặn xỉ khi đốt củi trấu nên rất phù hợp trong sản xuất công nghiệp.
Để hoàn thành dự án, nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm sản xuất viên nén nhiên liệu một cách tối ưu tại Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia, nhà khoa học của Viện.
Thành phẩm viên nén nhiên liệu |
Viên nén nhiên liệu đã cho thấy hiệu quả kinh tế và hiệu suất khi sử dụng. Sản phẩm có tiềm năng thay thế dần cho than đá, khí đốt và tận dụng vỏ trấu giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Từ kết quả thực nghiện cũng như các nỗ lực của nhóm nghiên cứu, Dự án “Xử lý rác thải nhựa ven biển bằng hiệp đồng với vỏ trấu và dolomit thành viên nén nhiên liệu thân thiện môi trường" của nhóm đoạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2023-2024.
Dự án này đã góp phần lan tỏa thông điệp làm sạch môi trường và mở ra triển vọng khởi nghiệp bền vững là biến rác thải ven biển thành viên nén nhiên liệu mang giá trị kinh tế cao.