Công trình xanh sử dụng vật liệu tái chế

23/09/2024 08:42 Tăng trưởng xanh
Xu hướng xanh với kiến trúc xanh sử dụng vật liệu tái chế đã và đang tạo ra xu hướng cho nhiều công trình không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam. Những công trình xanh này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người.

Nằm tại Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm hội nghị tiệc cưới độc đáo và ấn tượng đã được Công ty Tư vấn Thiết kế STD hoàn thiện. Địa điểm này không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của các cặp đôi mà còn là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc đương đại.

Nổi bật với các tấm gỗ nhựa màu xanh tái chế được thiết kế khéo léo với mặt tiền uốn lượn. (Ảnh: Paul Phan)
Nổi bật với các tấm gỗ nhựa màu xanh tái chế được thiết kế khéo léo với mặt tiền uốn lượn. (Ảnh: Paul Phan)

Công trình Trung tâm hội nghị tiệc cưới này được trải rộng trên diện tích 3.280m², nổi bật với các tấm gỗ nhựa màu xanh tái chế được thiết kế khéo léo với mặt tiền uốn lượn, hình ảnh gợi liên tưởng đến dòng nước cuốn. Với lối kiến trúc uốn lượn, công trình không chỉ tạo nên một điểm nhấn thẩm mỹ mà còn phản ánh sự uyển chuyển và linh hoạt trong kiến trúc, mang đến không gian khoáng đạt và cảm giác thư thái gần gũi với thiên nhiên.

Kiến trúc với trần bằng gỗ tái chế. (Ảnh: Paul Phan)
Kiến trúc với trần bằng gỗ tái chế. (Ảnh: Paul Phan)

Nhất là khu vực với khí hậu oi bức như Thành phố Hồ Chí Minh, việc ưu tiên thông gió tự nhiên và bóng mát là vô cùng cần thiết. Các kiến trúc sư đã sắp đặt cấu trúc cây xanh, nước trong ngoài công trình nhằm điều chỉnh nhiệt độ và thúc đẩy mối liên kết gần gũi hơn với thiên nhiên. Đây không chỉ là giải pháp giảm nhiệt mà còn là cách tiếp cận mang tính bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào hệ thống làm mát nhân tạo. Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, và địa nhiệt.

Thiết kế hệ thống thông gió tự nhiên và cách nhiệt tốt để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí và hệ thống sưởi. Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như chọn các vật liệu tái chế từ gỗ thông mảnh, tái sử dụng, hoặc có khả năng phân hủy sinh học. Tránh sử dụng các vật liệu có chứa hóa chất độc hại.

Về hạ tầng, tối ưu hóa sử dụng nước bằng cách thiết kế hệ thống thu gom nước mưa, sử dụng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước và tái sử dụng nước thải sau khi xử lý. Đặc biệt cách thiết kế cảnh quan cây xanh hài hòa giữa con người với thiên nhiên như bảo tồn cảnh quan tự nhiên, tạo không gian xanh như vườn trên mái và sử dụng cây cối để làm mát và cải thiện chất lượng không khí, chất lượng không gian sống đảm bảo ánh sáng tự nhiên, không gian thoáng đãng và không khí trong lành bên trong công trình.

Toàn cảnh bên ngoài Trung tâm Aqua Jardin. (Ảnh: Paul Phan)
Toàn cảnh bên ngoài Trung tâm Aqua Jardin. (Ảnh: Paul Phan)

Mặt tiền tòa nhà được sơn màu xanh lá cây từ việc tái sử dụng vật liệu gỗ nhựa, nổi bật giữa khu trung tâm thành phố chủ yếu là bê tông, mang lại sự tương phản hình ảnh mát mẻ và hấp dẫn.

Việc đồng nhất cây xanh và màu sắc mặt tiền không chỉ cải thiện thẩm mỹ cho công trình mà còn nâng cao tâm trạng, giảm bớt căng thẳng cho khách tham quan, đặc biệt là trong môi trường đô thị chật chội.

Bằng cách tái sử dụng vật liệu và làm mới lại các kết cấu kiến trúc hiện có, công trình không chỉ giảm thiểu đầu tư tài chính cho chủ đầu tư mà còn cung cấp địa điểm tổ chức tiệc cưới giá cả phải chăng cho cư dân thành thị có thu nhập trung bình. Đây là minh chứng cho cam kết của kiến trúc sư STD Design Consultant trong việc thực hiện nâng cấp các tòa nhà hiện có ở các đô thị Việt Nam thay vì phá dỡ và xây dựng mới vô cùng lãng phí.

Việc bảo tồn tính toàn vẹn kết cấu kiến trúc công trình này rất quan trọng đối với các kiến trúc sư, tất cả đều được định hình vững chắc trước khi được bọc lại bên ngoài mặt tiền làm từ vật liệu composite tái sử dụng. Thực hành kiến trúc bền vững này không chỉ giảm thiểu rác thải ra môi trường mà còn minh họa tiềm năng tái sử dụng các vật liệu xây dựng đã qua sử dụng.

Vật liệu composite tái sử dụng được sử dụng cho mặt tiền nhằm giúp cho kết cấu nhẹ nhất có thể, trong khi các pallet gỗ và gỗ tự nhiên tái chế được sử dụng trong nội thất. Kiến trúc sư đã sáng tạo sử dụng tổng cộng hàng nghìn pallet gỗ cũ được tháo rời, cẩn thận sử dụng từng dải gỗ riêng lẻ từ các pallet gỗ này. Đây là một lựa chọn thông minh khi gỗ mới chất lượng cao ngày càng khó tìm và đắt đỏ, giúp mang lại không gian nội thất trông năng động và uyển chuyển hơn.

Đây không chỉ là một công trình kiến trúc vô cùng ấn tượng mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo và tinh thần bền vững trong thiết kế. Bằng cách kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường, công trình này không chỉ mang lại không gian tổ chức sự kiện lý tưởng mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Đây thực sự là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và môi trường, mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động