Thọ Xuân đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

08/08/2022 07:47 Địa phương
Với khoảng 100 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp (CN), chiếm 17,9% số DN đang hoạt động trên địa bàn huyện và 3.447 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN)…lĩnh vực CN và TTCN góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời là các tiền đề quan trọng để huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
Thọ Xuân đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Sản xuất đồ gỗ tại xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển CN, TTCN, với nhiều ngành nghề đa dạng, số lao động nhiều, tuy nhiên tốc độ phát triển và giá trị sản xuất CN chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Các sản phẩm CN chưa đa dạng; sản phẩm công nghệ cao trên các lĩnh vực như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị y tế, dược phẩm, thiết bị chiếu sáng, cơ khí chính xác chưa có trên địa bàn. Việc đăng ký thương hiệu, cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì, kiểu dáng cho các sản phẩm TTCN chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung.

Trên cơ sở phân tích những hạn chế trong phát triển CN, TTCN trên địa bàn, để phát triển đồng bộ, toàn diện và bền vững, tháng 12/2021, HĐND huyện Thọ Xuân đã ban hành nghị quyết thông qua đề án phát triển CN, TTCN và các cụm CN trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hàng loạt các giải pháp phát triển CN, TTCN đã và đang được huyện Thọ Xuân đẩy mạnh thực hiện, như: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư triển khai đầu tư dự án và các cụm CN Xuân Lai, Thọ Minh, Thọ Nguyên. Đồng thời, thu hút, kêu gọi thành lập thêm 5 cụm CN, gồm: Cụm CN Xuân Phú, cụm CN Xuân Hòa - Thọ Hải, cụm CN Xuân Tín - Phú Xuân, cụm CN Trường Xuân và cụm CN Neo. Kêu gọi các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư khai thác các tiềm năng của huyện, tạo ra những đột phá trong phát triển sản xuất CN; trong đó, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, CN sạch, thân thiện với môi trường. Phối hợp tốt với chủ đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu CN thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để triển khai đầu tư hạ tầng Khu CN Lam Sơn - Sao Vàng theo lộ trình chủ đầu tư đã ký kết với UBND tỉnh. Phối hợp với sở, ngành có liên quan của tỉnh mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm thế mạnh của huyện cùng với sản phẩm OCOP tại Cảng Hàng không Thọ Xuân. Khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất CN, TTCN xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã và bao bì sản phẩm, tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từng bước kêu gọi, hình thành các DN đầu mối, DN lớn có năng lực tài chính, hệ thống phân phối để cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất CN, TTCN, nhất là các nghề truyền thống như: Đồ mộc dân dụng, bánh lá răng bừa, bánh gai, nem nướng, miến gạo, kẹo lạc. Bên cạnh đó, huyện đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào cụm CN; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật làng nghề; hỗ trợ duy trì, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, làng nghề; hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào cụm CN.

Việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã và đang tạo chuyển biến trong phát triển CN, TTCN của huyện. Đối với các dự án CN, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án, gồm Nhà máy may Speed Motion tại xã Xuân Minh và Nhà máy may Thọ Xuân Corporation tại xã Tây Hồ. 15 dự án đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục, giải phóng mặt bằng và thi công. Huyện đã thành lập 3 cụm CN và hiện đang được chủ đầu tư tích cực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai thi công. Từng bước khôi phục, duy trì và phát triển nghề truyền thống, làng nghề như miến gạo xã Phú Xuân, nón lá Thọ Lộc được UBND tỉnh công nhận là làng nghề; kẹo lạc Xuân Yên, đồ gỗ Thuận Minh được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Xây dựng sản phẩm miến gạo Phú Xuân, đồ gỗ Xuân Bái được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ông Lý Đình Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Việc phát triển CN, TTCN được huyện xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy, chính quyền để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Đây được xem là lĩnh vực đóng vai trò trọng tâm làm đòn bẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng CNH, ĐĐH. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN, TTCN, ngành nghề, với tốc độ cao. Cơ cấu giá trị sản xuất của ngành CN – xây dựng đến năm 2025 chiếm 54,5% cơ cấu kinh tế của huyện, trong đó CN chiếm 75%.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn

Sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Thọ Xuân là hội tụ tinh túy của các nghề truyền thống. Do đó, với bề dày về văn hóa, lịch sử, những sản phẩm này luôn mang đặc trưng riêng, từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường. Trên địa bàn huyện Thọ Xuân còn một số nghề đang tồn tại và phát triển tốt, với hệ thống sản phẩm chất lượng được thị trường đánh giá cao, như: nghề làm bánh lá răng bừa xã Xuân Lập; nghề làm nem nướng thị trấn Thọ Xuân; nghề làm nem, giò chả tại xã Xuân Bái, nghề làm miến, xay xát lương thực tập trung tại các xã Nam Giang, Phú Xuân; nghề làm nón xã Thọ Lộc; nghề làm đồ gỗ tại các xã Thuận Minh, Xuân Bái, Nam Giang, Thọ Diên, Xuân Lập, Tây Hồ, Bắc Lương.

Hàng năm, các địa phương trên địa bàn huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn; hỗ trợ các cơ sở phát triển sản xuất góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho người lao động, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và cải tiến công nghệ,... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn cho người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các cơ sở tham gia các hội chợ, triển lãm; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu và đầu tư xây dựng các cửa hàng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định và chưa chú trọng mở rộng quy mô sản xuất. Phần lớn các cơ sở vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường không cao. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong hoạt động thương mại cũng có nhiều bất cập... Những khó khăn này đã khiến sản phẩm công nghiệp nông thôn của huyện chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có.

Bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên phát triển các ngành, như: may mặc, giầy da là những ngành công nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động, huyện tiếp tục lựa chọn, phát triển những sản phẩm công nghiệp nông thôn mang tính truyền thống; khôi phục, phát triển các ngành nghề, nghề truyền thống, làng nghề. Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm, các địa phương chú trọng hơn trong việc xác định sản phẩm mũi nhọn, từ đó quan tâm tới việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đi đôi với đó, thông qua các chương trình, dự án, các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hiệp hội ngành nghề,... để đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý…góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn theo định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương../.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động