Thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên

08/01/2020 16:34 Quản lý nguồn thải
Toàn tỉnh Điện Biên hiện có khoảng 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các bãi chôn lấp chất thải theo hình thức đốt và chôn lấp hợp vệ sinh hoặc đổ lộ thiên có phun chế phẩm ngăn côn trùng, dịch bệnh. Một phần chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom do các hộ dân tái sử dụng hoặc xử lý tại chỗ bằng biện pháp đốt, chôn lấp.
Phấn đấu 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý để phát điện hoặc tái chế vào năm 2025
thuc trang cong tac quan ly chat thai ran sinh hoat tren dia ban tinh dien bien
Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên phát sinh khoảng 264 tấn.

Theo số liệu thống kê năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên khoảng 264 tấn/ngày, trong đó: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 109 tấn/ngày (thành phố Điện Biên Phủ chiếm 74%, khoảng 52,6 tấn/ngày), khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 155 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 90%, xử lý 92,904 tấn/ngày; tỷ lệ 85,2%; Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh là 155 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải sinh hoạt nông thôn được thu gom đạt khoảng 12%.

Đối với các đô thị, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện thông qua hợp đồng công ích, tại thành phố Điện Biên Phủ do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên thực hiện (công ty tư nhân), chất thải rắn được thu gom từ các khu vực xóm, ngõ lên các xe đẩy tay ra điểm tập kết và sau đó vận chuyển bằng xe ô tô ép rác. Các phương tiện vận chuyển đảm bảo không rơi vãi, rò rỉ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa thực hiện được; một phần do thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực để triển khai thực hiện còn thiếu; ý thức của cộng đồng dân cư chưa cao, chưa nhận thức hết được lợi ích của công tác thu gom, phân loại rác thải. Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp và đốt, có những nơi việc xử lý chất thải chưa đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó 03 cơ sở xử lý theo công nghệ lò đốt rác bằng khí tự nhiên (gồm 02 cơ sở thuộc huyện Mường Ảng, thị xã Mường Lay sử dụng lò đốt rác thải sinh hoạt GFC Sankyo NFi-05, công nghệ Nhật Bản sản xuất tại Thái Lan và 01 cơ sở thuộc huyện Điện Biên sử dụng lò đốt sản xuất tại Việt Nam, khí thải lò đốt cơ bản đáp ứng các quy định theo QCVN61-MT: 2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt); 07 cơ sở xử lý theo hình thức bãi chôn lấp, trong đó có 3/7 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (bãi chôn lấp rác thải các huyện: Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé) được thiết kế cơ bản đáp ứng các quy định theo thông tư số 01/2001/TTLT-BKHCN-BXD ngày 18/01/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng. Còn lại 4/7 bãi chôn lấp (bãi chôn lấp thành phố Điện Biên Phủ; các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa) chưa đáp ứng các quy định theo thông tư số 01/2001/TTLT-BKHCN-BXD ngày 18/01/2001của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng đổ lộ thiên hoặc bán lộ thiên đổ rác, khi đầy thì lấp đất, có phun chế phẩm ngăn côn trùng, dịch bệnh. Trên thực tế, để xây dựng được một bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh, đầy đủ các bước từ san lấp, khử trùng, xử lý nước rỉ rác và các biện pháp kĩ thuật khác đạt yêu cầu đã làm tăng gánh nặng ngân sách cho địa phương.

Nguồn lực tài chính cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được đảm bảo phân bổ theo từng cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh; Ngân sách cấp cho sự nghiệp môi trường cấp qua từng năm có tăng tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay, đặc biệt là ngân sách cho cấp xã để đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang triển khai xây dựng được 01 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại tại bãi rác Púng Min xã Pom Lót, huyện Điện Biên do Công ty cổ phần Môi trường Đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư với tổng kinh phí đầu tư gần 69 tỷ đồng, cơ sở đi vào hoạt động 30/6/2019, công suất xử lý chất thải rắn: 120 tấn /ngày (giai đoạn 1 lắp đặt một lò đốt công suất 96 tấn/ ngày); Phạm vi tiếp nhận chất thải rắn: khu vực thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (Vệ sinh, thu gom rác rác thải đô thị trong phạm vi 35km. Mục tiêu của dự án là xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; tạo việc làm cho người lao động; phân loại rác, tái chế phân bón, cải thiện môi trường xung quanh; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm được mùi hôi, ruồi muỗi, môi trường sống của thành phố Điện Biên Phủ và vùng lân cận cũng được cải thiện tích cực, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng của đông đảo người dân.

Để công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và hành vi thu gom, xử lý rác thải.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động