Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): Vì sao UBND xã nợ tiền đất của dân?

11/10/2019 21:39 Địa phương
Để hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới, UBND xã Hoàng Động đã xây dựng một sân vận động rộng 7.500m2, với tổng vốn đầu tư 4,5 tỉ đồng. Mặc dù công trình đã đưa vào hoạt động, nhưng người dân mất ruộng vì sân bóng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Vừa qua, Toà soạn Công nghiệp Môi trường nhận được phản ánh của người dân xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) về việc họ chưa nhận được tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu đất làm sân vận động xã, một trong những hạng mục công trình nằm trong chuỗi các tiêu chí thực hiện chương trình nông thôn mới.

Trong khi đó, với lí do thêm nguồn tiền để về đích nông thôn mới, UBND xã Hoàng Động đã thu hàng trăm triệu đồng từ nhiều người dân trong xã và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Việc thu tiền không có phiếu thu, khiến những người nộp khi được hỏi đều không biết xã thu xong có chi tiêu và chi vào việc gì?

Bà Lê Thị Hạnh (thôn 4, xã Hoàng Động) cho biết, gia đình bà có 1 sào ruộng (360m2) tại khu vực làm sân bóng xã. Từ năm 2018, UBND xã đã lấy diện tích đất này làm sân vận động và cho đến hiện tại sân bóng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng gia đình bà vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

"Tôi có đóng góp 200.000 đồng/1 nhân khẩu. UBND xã thu và nói rằng đây là khoản tiền xã hội hóa để về đích nông thôn mới" - bà Hạnh nói. Khi được hỏi về việc khi thu khoản tiền này, người dân có nhận lại phiếu thu hay không, bà Hạnh khẳng định là không có phiếu thu.

thuy nguyen hai phong vi sao ubnd xa no tien dat cua dan
Sân vận động xã Hoàng Động - một trong những hạng mục công trình nằm trong chuỗi các tiêu chí thực hiện chương trình nông thôn mới.

Còn theo ông Đoàn Văn Phong (thôn 4, xã Hoàng Động), gia đình ông có hơn 500m2 đất thuộc công trình sân vận động xã. "Nhà tôi chưa nhận được tiền đền bù hỗ trợ gì. Với mức giá xã thông báo áp cho chúng tôi, số tiền của gia đình tôi cũng khoảng 100 triệu đồng" - ông Phong cho biết. Ngoài việc chưa nhận được tiền đền bù đất ruộng, gia đình ông Phong có 4 nhân khẩu và đã đóng góp 800.000 đồng tiền về đích nông thôn mới.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Duy Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hoàng Động thừa nhận, phản ánh của người dân là có thật. Theo đó, năm 2018, xã Hoàng Động được phân bổ 25,5 tỉ đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, công trình sân vận động được chi từ tiền ngân sách là 3 tỉ đồng.

Ông Hoàng thông tin, số tiền 3 tỉ đồng chỉ đủ để xây dựng 7.500m2 đất ruộng thành sân vận động, bao gồm các hạng mục: san lấp, xây bờ kè, hàng rào sắt bao quanh, không đủ tiền để thực hiện giải phóng mặt bằng diện tích đất này.

Tính toán của đại diện UBND xã Hoàng Động cho thấy, nguồn tiền ngân sách đã chi cho việc xây dựng sân vận động là 3 tỉ đồng. Tổng số tiền cần để chi trả hỗ trợ cho người dân mất ruộng phục vụ công trình này khoảng 1,5 tỉ đồng. Như vậy, giá trị của sân vận động xã khoảng 4,5 tỉ đồng.

Để có đất làm sân vận động, UBND xã kêu gọi sự ủng hộ của người dân, thu 200.000 đồng/1 nhân khẩu trên 18 tuổi. Số tiền này với mục đích chi trả cho những người dân bị mất ruộng để làm sân vận động. "Phải nói chính xác rằng không thực hiện giải phóng mặt bằng cho diện tích 7.500m2 đất ruộng này. Chúng tôi vận động người dân ủng hộ và hỗ trợ đền bù cho người dân với mức giá 70 triệu đồng/1 sào (360m2)" - ông Hoàng nói.

thuy nguyen hai phong vi sao ubnd xa no tien dat cua dan
Sân vận động xã Hoàng Động làm xong, cỏ mọc um tùm.

Theo ông chủ tịch xã, đến hết năm 2018, xã Hoàng Động thu tiền xã hội hóa phục vụ mục tiêu chi trả cho công trình sân vận động là 456,3 triệu đồng/khoảng 5.000 nhân khẩu thuộc đối tượng thu. Hiện xã đã chi trả tiền hỗ trợ cho 25/61 hộ dân mất đất ruộng, số còn lại UBND xã vẫn đang nợ dân, tương đương số tiền khoảng 1 tỉ đồng. Hướng giải quyết sắp tới là UBND xã sẽ tiếp tục thu tiền từ người dân để hoàn thành.

Đại diện UBND xã Hoàng Động thừa nhận chưa làm đúng nguyên tắc thu chi tài chính, vì toàn bộ số tiền thu được từ người dân không nộp vào kho bạc Nhà nước mà để lại tại bộ phận kế toán xã, sau đó tự chi trả ngay cho dân. Toàn bộ chủ trương thu tiền từ người dân để chi trả tiền đất làm sân vận động cũng là do xã Hoàng Động tự quyết, không báo cáo lên cấp huyện.

Khi phóng viên đề nghị Chủ tịch UBND xã cung cấp các tài liệu thể hiện về việc thu chi khoản tiền xây dựng sân vận động xã, nhưng ông chủ tịch kiên quyết từ chối, chỉ đồng ý trả lời miệng.

Việc UBND xã cử người trực tiếp thu tiền từ dân, không có phiếu thu khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch của số tiền thu được đã chuẩn xác hay chưa? Hiện nay, sân vận động đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng theo người dân địa phương, rất ít thanh niên vào sân này hoạt động thể thao. Một trong những điều người dân e ngại là thiết kế của sân vận động khá “vô lý”, nguy cơ gây mất an toàn khi hoạt động thể thao tại đây. Theo đó, ngoài hàng rào sắt bao bọc toàn bộ diện tích làm sân vận động, ở giữa còn được xây bờ kè cao khoảng 20cm, tạo thành một sân nhỏ bên trong sân vận động. Ghi nhận thực tế của phóng viên, mặt sân vận động cỏ mọc khá um tùm, mỗi cây cỏ cao khoảng 70cm, minh chứng cho việc ít dấu chân người qua lại nơi này.

Tòa soạn Công nghiệp môi trường sẽ tiếp tục thông tin ở bài viết sau.

Song Linh - Bùi Hạnh
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động