Tỉnh Hưng Yên đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; lãnh đạo một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Hưng Yên; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Uỷ viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng tỉnh Hưng Yên và đồng chí Uỷ viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên |
Đến năm 2030 tỉnh Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I
Tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định: Đến năm 2030 tỉnh Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I. Với các mục tiêu cụ thể như: Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030: 278 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 - 65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Kinh tế số chiếm 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 8,5 - 9,0%/năm. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 50 - 55%.
Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm dưới 1,0%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5% vào cuối năm 2025 và không còn hộ nghèo đến năm 2030.
Về môi trường, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn về môi trường đạt 100%; 100% dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Xác định 3 ngành kinh tế quan trọng: Công nghiệp; Dịch vụ; Nông nghiệp; tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội theo mô hình “mạng lưới,” đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục, 3 trung tâm.
Trong số đó, 2 vùng kinh tế-xã hội gồm: Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị-khoa học công nghệ-dịch vụ-du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị-công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế-đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Hai hành lang kinh tế là hành lang công nghiệp-đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và hành lang văn hóa-lịch sử-sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng, trong thời gian tới Hưng Yên sẽ nằm trong tốp những địa phương đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế gắn với câu ca " thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến" (ảnh/Nguyễn Quang) |
Chính phủ yêu cầu tỉnh Hưng Yên thực hiện tốt theo Quy hoạch đã được duyệt.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Hưng Yên thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, tỉnh phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh khoa học, phù hợp với nguồn lực, tình hình, yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hưng Yên thực hiện tốt phương châm "1 tập trung - 2 tăng cường - 3 đẩy mạnh".
"1 tập trung" là: Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...).
"Các khu công nghiệp phải chọn lọc, thu hút đầu tư công nghệ cao để người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, năng suất lao động, từ đó mang lại thu nhập cao và đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
"2 tăng cường" là: (1) Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội); (2) Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, chuỗi sản xuất và cung ứng...
"3 đẩy mạnh" là: (1) Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, xã hội...); (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; (3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hưng Yên cần thực hiện tốt 08 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Một là, bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh khoa học, phù hợp với nguồn lực, tình hình, yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng.
Thứ ba, huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên hạ tầng giao thông tạo kết nối trong nước, quốc tế. Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, tạo không gian phát triển mới, động lực, năng lực mới.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, tạo vườn ươm, phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn; phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ; có chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Mở rộng, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết chuỗi; chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Phát huy vai trò động lực của các đô thị, thúc đẩy sự phát triển văn minh, hiện đại và bền vững.
Thứ sáu, phát triển toàn diện văn hóa, xã hội; làm nổi bật bản sắc văn hóa, truyền thống vùng đất văn hiến, thế mạnh về sinh thái, tâm linh, lễ hội. Phấn đấu lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển con người có thứ hạng cao; nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tập trung hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Thứ bảy, chú trọng xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp và hệ thống chính trị; đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ tám, làm tốt công tác truyền thông chính sách, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy hoạch tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ Quy hoạch, làm theo Quy hoạch, giám sát việc thực hiện Quy hoạch và thụ hưởng thành quả với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Để hỗ trợ Hưng Yên tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương luôn đồng hành, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Hưng Yên, người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Hưng Yên, đề nghị hoạt động, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động; chú trọng góp ý hoàn thiện chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "chia sẻ tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng anh hùng, với đà phát triển mạnh trong những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới như Quy hoạch đã công bố, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân, dân tỉnh Hưng Yên phát biểu, tiếp thu ý kiến từ Chính phủ và đưa ra định hướng để Hưng Yên thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. (ảnh/Nguyễn Quang) |
Quyết tâm thực hiện tốt các nội dung Quy hoạch.
Thay mặt Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hưng Yên, Bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa gửi lời cảm ơn chân thành đến Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao, đại sứ quán, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, xin lĩnh hội và tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, sẽ cụ thể hóa vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung công việc bằng chương trình, kế hoạch cụ thể.
Để thực hiện tốt các nội dung quy hoạch, đưa định hướng, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển của tỉnh Hưng Yên trở thành hiện thực, đồng chí Bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tỉnh tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hằng năm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch. Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là các quy hoạch về đất đai, xây dựng, điện lực, giao thông... bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Huy động tối đa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược phát triển mang tính then chốt trong Quy hoạch tỉnh đề ra.
Thứ ba, khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng quê hương Hưng Yên; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục; thường xuyên chăm lo các đối tượng chính sách và gia đình người có công... giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cũng tại Hội nghị, tỉnh Hưng Yên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 24 dự án có tổng số vốn 760 triệu USD và 10.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, điện tử, logistics, nội thất, linh kiện cơ khí… cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Một số hình ảnh lãnh đạo Trung ương, tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án và phát biểu của đại diện Nhà đầu tư tại Hội nghị./.
Uỷ viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định chấp thuận chủ trương cho Nhà đầu tư tại Hội nghị |
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.