TP. Hồ Chí Minh dự kiến lắp điện mặt trời mái nhà 2.619 công sở
Theo số liệu thống kê của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 2.619 tòa nhà công sở của các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện về diện tích mái nhà và công suất lắp đặt để triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Xu hướng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà ngày càng phát triển tại TP. Hồ Chí Minh |
Theo đó, sẽ có khoảng 166.357kWp điện năng được tạo ra từ các cơ sở này. Trong đó, các tòa nhà trực thuộc sở, ban, ngành có tổng diện tích lắp đặt 76.418m² , công suất khoảng 10.316kWp; tòa nhà các trường học, trung tâm đào tạo có tổng diện tích lắp đặt 796.617m², công suất khoảng 103.898kWp; tòa nhà các bệnh viện, trung tâm y tế có tổng diện tích lắp đặt khoảng 201.875m², công suất 27.253kWp; nhà hát, nhà thi đấu thể thao, trung tâm văn hóa có tổng diện tích lắp đặt 40.374m², công suất 5.450kWp…
Không chỉ tạo ra nguồn năng lượng mới, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các công sở, TP. Hồ Ch1 Minh còn có thể giảm phát thải được khoảng 500 tấn CO2/ năm.
Với tổng công suất 166.357kWp, TP. Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ở 2.619 trụ sở.
Theo kế hoạch, nguồn vốn được trích từ ngân sách của thành phố và xã hội hóa. Trong đó, ngân sách thành phố chỉ sử dụng bố trí để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị xã hội thuộc thành phố quản lý, khoảng 430 tỷ đồng. Còn lại, trụ sở đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công như trường học, bệnh viện, bãi đậu xe… khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
TP. Hồ Chí Minh dự kiến, từ nay đến năm 2028 sẽ lắp đặt 50% các tòa nhà công sở, tương ứng công suất khoảng 84.000kWp và tổng chi phí lắp đặt khoảng 1.250 tỷ đồng.
Và từ kết quả bước đầu này, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các toà nhà công sở còn lại sau khi tổng kết, đánh giá lại hiệu quả của dự án.
Hiệu quả kinh tế và mục tiêu giảm phát thải CO2 từ dự án là khả thi. Tuy nhiên điều trăn trở hiện nay của TP. Hồ Chí Minh là việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến công năng của các tòa nhà, cảnh quan môi trường, cũng như không vi phạm các quy định về bảo tồn kiến trúc. Đồng thời, phải đảm bảo quy định về an toàn điện, an toàn xây dựng và phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, vấn đề mà Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan quan tâm là giải pháp công nghệ, chi phí phần xử lý rác thải tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.