Trồng rừng để bán tín chỉ carbon

31/05/2024 12:35 Tăng trưởng xanh
Trồng rừng để tích lũy tín chỉ carbon nhằm tạo thêm nguồn thu nhập mới, có lẽ đây là một trong những lý giải việc diện tích rừng trồng liên tục tăng cao trong thời gian gần đây.
Trồng rừng để bán tín chỉ carbon
Mặc dù diện tích rừng trồng tăng cao nhưng vẫn còn chênh lệch khá lớn so với diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại hằng năm

Theo Tổng cục Thống kê, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 5/2024 ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có tiến độ trồng rừng tăng cao: Quảng Ngãi gấp 2 lần; Quảng Trị tăng 69,7%; Nghệ An tăng 8,1%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,7 triệu cây, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 98,2 nghìn ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 37,8 triệu cây, tăng 1,2%.

Ngược lại, diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 5/2024, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 38,6% so với tháng 5/2023. Trong đó, diện tích rừng bị chặt, phá là 74,3 ha, tăng 43,9%; diện tích rừng bị cháy là 130,6 ha, giảm 35,1%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 652,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích rừng bị chặt, phá là 376,2 ha, giảm 24,9%; diện tích rừng bị cháy là 285,1 ha, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Mới đây, tại Hội thảo “Hành trình hướng tới bền vững & Trung hòa Carbon trong sản xuất” do Công ty Informa markets Việt Nam phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) tổ chức ở Bình Dương, ông Nguyễn Thế Tùng Lâm - Phó chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Bình Dương cũng đã có nhiều chia sẻ về những quan tâm của người dân trong việc trích lũy và bán tín chỉ carbon.

Theo ông Lâm, mặc dù diện tích rừng tự nhiên ở Bình Dương rất thấp nhưng kể từ sau sự kiện Việt Nam giao dịch thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2), thu về 51,5 triệu USD, nhiều người dân ở Bình Dương bắt đầu quan tâm nhiều đến nguồn thu này. Cụ thể, trong thời gian gần đây, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Bình Dương liên tục nhận được yêu cầu hướng dẫn trích lũy tín chỉ carbon, phương thức giao dịch mua bán, giá cả… từ người chủ các vườn cây lâm nghiệp, thậm chí chủ vườn bưởi, vườn ổi.

Từ những tín hiệu này phần nào cho thấy tư duy trồng rừng của người dân đã có sự thay đổi. Hiện ngoài mục đích khai thác lấy gỗ, bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất… như trước đây, người trồng rừng còn hướng đến mục tiêu bền vững hơn đó là tích lũy tín chỉ carbon, tạo được nguồn thu lâu dài hằng năm từ việc bán tín chỉ này.

Thanh Hải

Xin chờ trong giây lát...

Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giải quyết "điểm nghẽn" trong ô nhiễm môi trường

Phiên bản di động