Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (16th AMRI) diễn ra vào ngày 22/09 tại TP Đà Nẵng.
Tham dự Lễ khai mạc Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; các bộ trưởng, thứ trưởng, trưởng đoàn phụ trách lĩnh vực thông tin, truyền thông, văn hóa, xã hội các nước thành viên ASEAN, các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nước quan sát viên (Timor Leste) và hơn 300 đại biểu Việt Nam.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16. |
Hội nghị AMRI lần thứ 16 là diễn đàn để các bộ trưởng phụ trách về thông tin của các nước ASEAN thảo luận đưa ra định hướng và chỉ đạo thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN trong các lĩnh vực: Báo chí; phát thanh và truyền hình; Internet (mạng xã hội, Websites, truyền thông trên nền tảng Internet) và nâng cao nhận thức về ASEAN.
Hội nghị AMRI năm nay đã thống nhất lựa chọn chủ đề “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” làm chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ nội dung nghị sự.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần duy trì sự đoàn kết, thống nhất và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội. Tham gia vào quá trình phát triển chung, Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng lĩnh vực thông tin, truyền thông.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu khai mạc Hội Nghị. |
Ngày 06/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động báo chí, phát triển nền tảng số, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông, tăng cường kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng thế giới đang ở trong giai đoạn đầy biến động, thông tin được cộng hưởng bởi công nghệ và Internet khiến cho tốc độ lan tỏa, mức độ ảnh hưởng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tác động theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, việc hợp tác thúc đẩy tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác dựa trên năng lực số; biến thông tin thành tri thức để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực là nhu cầu bức thiết hiện nay, ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN.
“Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thành viên, cùng các nước đối thoại, trao đổi và xác định các ưu tiên, định hướng hợp tác trong thời gian tới, chung tay thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu tham quan triển lãm bên lề Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Lĩnh vực thông tin và truyền thông của chúng ta đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Chính công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi mang tính phá huỷ này. Tương lai giờ đây không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Và chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số. Cách làm, cách tiếp cận thì phải đổi mới, nhưng vẫn phải giữ vững sứ mệnh cốt lõi của truyền thông là: cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức, trao thêm sức mạnh cho con người, phục vụ cho phát triển, tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc, các nước thành viên ASEAN và quảng bá hình ảnh, giá trị của ASEAN ra thế giới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao và cảm ơn đại biểu các nước đã tham dự Hội nghị để cùng xem xét, thảo luận những thách thức và cơ hội của truyền thông số, định hướng cho truyền thông, định hướng cho hợp tác truyền thông của ASEAN trong những năm tới. |
Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới bị quá tải về thông tin. Chúng ta có thể bị nhấn chìm bởi quá nhiều thông tin. Chúng ta đang bị “béo phì thông tin” bởi tiêu thụ thông tin liên tục, bất kể đó là thông tin thật hay tin giả. Một ngày, mỗi chúng ta dành không dưới 6 giờ đồng hồ để tiêu thụ lượng thông tin này. Thông tin thì quá nhiều nhưng tri thức và sự thấu hiểu thì lại đang có xu thế ít đi. Rất ít người hiểu được những gì ở phía sau dòng lũ thông tin kia. Rất ít người tìm ra được tri thức, tạo ra được giá trị từ đó.
Trong một thế giới đầy biến động và khó lường như hiện nay, quá nhiều thông tin còn có thể gây tâm lý hoang mang, bất an, nghi ngờ, mất niềm tin. Truyền thông lúc này cần mang đến những tri thức mới để giúp chúng ta thích ứng nhanh, để sử dụng công nghệ mới cho mục tiêu phát triển và hợp tác, để mang lại năng lượng tích cực, và nuôi dưỡng niềm tin vào một tương lai hòa bình và thịnh vượng của ASEAN và thế giới.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2023 tổ chức tại Indonesia vào ngày 5/9 vừa qua, đã thông qua Tuyên bố về sự phát triển bền vững và có khả năng chống chịu, khẳng định sự cần thiết “vượt qua các thách thức thông qua chia sẻ tri thức và thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, huy động nguồn lực và triển khai các sáng kiến nâng cao năng lực”.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Tri thức và sự thấu hiểu vẫn là cái tinh hoa nhất của con người. Công nghệ số đã giúp tạo ra thông tin nhiều hơn, nhưng với sự ra đời của công nghệ học sâu, nó cũng có thể giúp tạo ra tri thức và cả sự thấu hiểu thông tin. Tri thức và sự thấu hiểu sẽ tạo ra một ASEAN hòa bình, phát triển, thịnh vượng và hạnh phúc.
“Lĩnh vực thông tin và truyền thông của ASEAN đang nhận về mình sứ mệnh mới, đang chủ động mở ra không gian mới để cùng nhau góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng. Đó là sự thay đổi từ thông tin đến tri thức và sự thấu hiểu. Đi đầu trong sự chuyển dịch này và thành công trong sứ mệnh mới này sẽ chính là đóng góp của các nước ASEAN cho lĩnh vực thông tin và truyền thông của thế giới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Các hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị AMRI 16 gồm có: Hội nghị AMRI+3 lần thứ 7 là diễn đàn để các bộ trưởng phụ trách về thông tin của các nước ASEAN và 3 nước đối thoại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thảo luận về các sáng kiến, ưu tiên, định hướng cũng như thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác trong lĩnh vực thông tin.
Hội nghị SOMRI lần thứ 20 và SOMRI+3; SOMRI+Nhật Bản là các cuộc họp của các quan chức cấp cao phụ trách về thông tin của các nước ASEAN và với các nước đối thoại nhằm thảo luận về các nội dung đệ trình lên Hội nghị AMRI và AMRI+3.