Từ “Bếp ăn yêu thương” đến “Nhà lưu trú 0 đồng”

04/09/2024 08:16 Văn hóa
Với quan niệm, “một suất ăn nhỏ, nhưng người ta no được một bữa, người ta khen ngon thì mình lại càng hạnh phúc”, gia đình người Cựu chiến binh đã duy trì bếp ăn tình thương suốt 15 năm qua.

Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia và chiến tranh biên giới phía Bắc khi chưa tròn 20 tuổi, cựu chiến binh Đinh Thị Ngọc - Phó Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Binh kiêm Bí Thư Chi Bộ Khu phố 1, Phường 8, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh đến nay đã ngoài 65 nhưng tinh thần cống hiến vẫn vẹn nguyên.

Từ “Bếp ăn yêu thương” đến “Nhà lưu trú 0 đồng”
Bếp ăn yêu thương của người cựu chiến binh vẫn âm thầm đỏ lửa suốt 15 năm qua

Bà đi nhiều nơi và chứng kiến nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bà hiểu với nhiều người, việc kiếm vài chục ngàn đồng không dễ, nhất là tại nơi đông dân nhập cư như TP. Hồ Chí Minh. Vậy là bà Ngọc quyết định bàn với gia đình tổ chức bếp ăn tình thương vào cuối tuần với quan niệm “Một suất ăn nhỏ, nhưng người ta no được một bữa, người ta khen ngon thì mình lại càng hạnh phúc”.

Không dám nhận là “bếp ăn yêu thương” nhưng việc phát thức ăn vào mỗi cuối tuần đã được bà Ngọc và gia đình duy trì suốt 15 năm qua. Mỗi lần, bà phát hơn 300 phần với nhiều món khác nhau như bánh canh gà, bún thịt xào, bún gạo giò heo, cháo huyết, bánh ướt chả lụa...

Cũng chung một tấm lòng hướng đến những người dân còn khó khăn, nhất là dân nhập cư. “Nhà lưu trú 0 đồng” do vợ chồng bác sĩ Đỗ Huỳnh Văn Huy được thành lập nhằm giúp đỡ các bệnh nhân nghèo có nơi ở để trị bệnh miễn phí.

Đúng như tên gọi, nhà lưu trú này luôn rộng cửa chào đón những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đến ở miễn phí trong thời gian họ đang điều trị bệnh tại TP Hồ Chí Minh.

Từ “Bếp ăn yêu thương” đến “Nhà lưu trú 0 đồng”
Được vợ chồng bác sĩ Huy tiếp sức, bệnh nhân ung thư như thêm động lực để vượt qua bệnh tật

Ngôi nhà có thiết kế một trệt, một lầu, khu vực bếp và khu vực sân vườn để bệnh nhân đi dạo, tập thể dục thư giãn. Nhà có sức chứa từ 50 đến 70 người, tất cả phòng đều thoáng đãng sạch sẽ, được sắm đầy đủ trang thiết bị như: quạt hơi nước, giường, nệm, mền, gối. Khu vực bếp được trang bị bếp, tủ lạnh, chén đĩa để các bệnh nhân đến lưu trú có thể nấu ăn nếu cần.

Nhà lưu trú 0 đồng được xây dựng trên mảnh đất hơn 300 mét vuông, có tổng kinh phí khoảng 10 tỉ đồng, hoàn toàn bằng tiền túi của vợ chồng bác sĩ Huy. Từ mái nhà ấm áp của vợ chồng bác sĩ Huy, nhiều bệnh nhân đã có nơi để tạm trú, điều trị hết bệnh và trở về quê nhà. Tấm lòng của vợ chồng bác sĩ không chỉ từ suy nghĩ mà còn là hành động thiết thực, cụ thể để giúp đỡ mọi người, góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn.

Cả 2 tấm lòng hướng đến những người nhập cư, khó khăn về cái ăn, cái ở đã được Chương trình "Hoa đẹp giữa đời thường" đề cập với mong muốn có thể lan tỏa những giá trị tích cực, những câu chuyện nhân văn, đầy lòng yêu thương. Từ đó có thể truyền cảm hứng cho mọi người, khuyến khích hành động để tạo nên một xã hội văn minh và nhân ái.

Những câu chuyện nhân văn, truyền cảm hứng được truyền tải qua chương trình “Hoa đẹp giữa đời thường” được phát sóng vào 19h10 - 19h15, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh THVL1.

Thanh Hải

Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động