Từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn
Bước đầu kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam |
Với nền kinh tế truyền thống (Linear Economy - kinh tế tuyến tính), nguyên liệu thô được khai thác từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế và kết thúc chu trình kinh tế là thải loại ra môi trường tự nhiên, dẫn đến gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tiếp cận của thế giới hiện nay là chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (Circular Economy – KTTH) dựa trên nguyên lý tài nguyên thiên nhiên là nguyên liệu thô đưa vào hệ thống kinh tế, trải qua quá trình sản xuất và tiêu dùng, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi quay trở lại đầu vào cho hệ thống kinh tế dưới dạng chất thải là đầu vào của hệ thống kinh tế.
Liên minh Châu Âu định nghĩa “Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế mà giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu, tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và đồng thời giảm thiểu việc phát thải”. Theo nguyên lý đó, nền kinh tế càng bỏ đi ít sản phẩm thì sẽ càng ít tài nguyên thiên nhiên bị khai thác để sản xuất sản phẩm mới, từ đó môi trường sẽ chịu càng ít tác động tiêu cực từ con người. Tổ chức Ellen Macarthur đã xác định ba nguyên tắc chính của một nền kinh tế tuần hoàn đó là: (i) giảm và loại bỏ thải và ô nhiễm; (ii) kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu; (iii) tái tạo hệ thống tự nhiên. Như vậy quá trình vận hành của nền kinh tế tuần hoàn sẽ không có chất thải ra môi trường giải quyết được bài toán xử lý mối quan hệ giữa “Kinh tế” và “Môi trường”, vì thực hiện được hai nội dung, thứ nhất hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên và duy trì hệ sinh thái; thứ hai không còn đưa chất thải ra môi trường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, duy trì chất lượng môi trường. Như vậy, kinh tế tuần hoàn không chỉ là tuần hoàn vật liệu và còn là giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu khó tái chế. Hơn thế nữa, kinh tế tuần hoàn không phải là xử lý chất thải, ngược lại, kinh tế tuần hoàn coi chất thải là tài nguyên bị đặt nhầm chỗ, hoặc bị đánh giá chưa đúng giá trị.
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trên phạm vi toàn thế giới, áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích kinh tế 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030 ((Lacy, P., & Rutqvist, J, 2015). Riêng ở khu vực Châu Âu, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường & xã hội mà còn giúp tạo ra giá trị kinh tế lên đến 1.8 nghìn tỷ EUR vào năm 2030” (McKinsey & Co). Một số ngành được đánh giá là có cơ hội lớn hơn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: lương thực và nông nghiệp, thời trang và dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, hệ thống năng lượng và cacbon, hóa chất, điện tử và công nghệ cao.
Ở Việt Nam, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường quy định “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”.
Trên thực tế mô hình Kinh tế tuần hoàn đã có mặt rất sớm ở Việt Nam, ngay cả trước khi thuật ngữ kinh tế tuần hoàn được xuất hiện, thông qua mô hình kinh tế Vườn – Ao - Chuồng (VAC) hay các làng nghề tái chế chất thải. Hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều điển hình về kinh tế tuần hoàn như mô hình khu công nghiệp sinh thái , mô hình kinh tế sinh thái, mô hình sản xuất sạch hơn, và nhất là các sáng kiến tuần hoàn của doanh nghiệp, ví dụ như: mô hình hỗ trợ thu gom và tái chế tất cả các chai nhựa từ các sản phẩm bán ra của Coca-Cola; mô hình sử dụng hoặc tái chế tới 99,01% phụ phẩm và phế liệu trong sản xuất của Heineken3 ; mô hình sử dụng bao bì nhựa dẻo để làm đường giao thông của DOW; mô hình thu gom, tái chế, tái sử dụng 100% rác thải từ bao bì nhựa của công ty Unilever. Mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm...) tạo ra Chitosan và SSE với tiềm năng 4-5 tỷ USD hàng năm;...
Có thể thấy, các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn hiện nay ở Việt Nam chủ yếu đến từ các công ty đa quốc gia với chiến lược toàn cầu, nguồn lực mạnh và sự nhận thức đúng đắn kịp thời về yêu cầu áp dụng kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Dù chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng các sáng kiến để áp dụng kinh tế tuần hoàn, nhưng với kinh nghiệm từ trước (trong phát triển mô hình VAC hay làng nghề tái chế), với yêu cầu đòi hỏi áp dụng giải pháp giảm biến đổi môi trường và sự hỗ trợ của công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể từng bước áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để thích ứng với điều kiện và bối cảnh mới.