Túi sinh học tự phân hủy sau 2 tháng làm bằng cellulose
Đề nghị tăng thuế túi nilon để bảo vệ môi trường Nghiên cứu, đánh giá độ phân hủy của túi ni-lông |
TS. Phan Mỹ Hạnh - Phòng Công nghệ Vi sinh (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM) cho hay, cellulose sinh học được sản xuất bởi các chủng vi sinh vật trong môi trường lý tưởng. Khi được cung cấp đường ngọt làm thức ăn, các chủng vi sinh vật này tạo ra một lớp màng cellulose xung quanh cơ thể chúng. Cellulose sau đó được tổng hợp và sử dụng cho nhiều ứng dụng khác nhau.
Đặc tính của Cellulose là có độ tinh khiết cao, độ bền cơ học lớn và khả năng tương hợp sinh học mạnh mẽ, do đó Cellulose sinh học có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp sản xuất giấy, dệt, thực phẩm, y tế, vi sinh - sinh học…
Túi sinh học có thể tự phân hủy sau 2 tháng |
Sau khi tạo ra được cellulose sinh học, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM tiếp tục nghiên cứu để sản xuất mặt nạ, tạo xơ sợi, túi sinh học phân hủy, màng trị bỏng, màng bọc trái cây,...
Túi sinh học bền hơn túi nilon thông thường và có thể phân hủy ở ngoài môi trường sau 2 tháng. Với những tính chất nói trên, túi sinh học phân hủy có thể thay thế túi nilon truyền thống để bảo vệ môi trường.
Giá thành sản xuất túi sinh học hiện nay khó có thể cạnh tranh với nilon thông thường, bởi nếu sản xuất quy mô phòng thí nghiệm thì giá một túi sinh học khoảng 2.000 đồng, quy mô công nghiệp khoảng 1.000 đồng/túi (kích thước tương đương với loại túi nylon giá 200 đồng/túi). Tuy nhiên, hiện ở một số nước như Hàn Quốc đã đánh thuế túi nilon nên giá mỗi túi này cũng lên đến 1.500 - 2.000 đồng, điều đó sẽ khuyến khích người dân sử dụng túi sinh học.