Vĩnh Phúc tập trung tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

10/04/2023 08:35 Địa phương
Tính đến hết tháng 3/2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 81 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu đạt 60%; 13 xã được công nhận chuẩn NTM nâng cao, đạt 30% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

Năm 2023, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các địa phương chọn các xã, thôn thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho từng tiêu chí, ưu tiên nguồn lực thực hiện...

Để xây dựng nông thôn giàu, đẹp, văn minh và có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại, Vĩnh Phúc đang gắn mục tiêu này với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, điển hình là việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn. Khai thác lợi thế của mỗi địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Vĩnh Phúc tập trung tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Giai đoạn mới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp - an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của vùng nông thôn.

Ông Đỗ Hải Triều, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Địa phương đang phấn đấu thực hiện mục tiêu toàn tỉnh có ít nhất 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 135 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới thông minh trong giai đoạn mới. Tính đến hết tháng 3/2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 81 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu đạt 60%; 13 xã được công nhận chuẩn NTM nâng cao, đạt 30% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng NTM, địa phương còn gặp phải một số khó khăn như: Các văn bản của Trung ương về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 còn chậm, đến nay có nhiều nội dung, chỉ tiêu lần đầu được đưa vào Bộ tiêu chí NTM, xã NTM nâng cao; cạnh đó, nhiều nội dung về cơ chế quản lý, triển khai chương trình Trung ương phân cấp cho địa phương quy định như: Nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG, các Chương trình dự án khác trong Chương trình xây dựng NTM; quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù...đã ít nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ cán đích của các địa phương.

Một thực tế nữa hiện nay, chất lượng đạt chuẩn NTM, duy trì đạt chuẩn NTM một số tiêu chí, tiêu chí của các xã vùng trung du, miền núi không cao, đồng thời huy động nguồn lực từ cấp huyện, cấp xã của một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn như: Tiến độ thực hiện Chương trình còn chậm so với mục tiêu đề ra; một số huyện chưa ưu tiên bố trí nguồn lực cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; chủ yếu ưu tiên nguồn lực để thực hiện các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc thực hiện lồng nghép nội dung, nguồn lực từ Nghị quyết của HĐND, chương trình, dự án khác với thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiệu quả chưa cao.

Khó khăn trên xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu như: Một số chính sách của Trung ương đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nhiều quy định về quản lý, triển khai thực hiện Chương trình Trung ương phân phối cấp cho tỉnh quy định; nguồn thu của các địa phương vùng trung du, miền núi thấp, chủ yếu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất; công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành các quy định về quản lý, triển khai Chương trình của một số cơ quan còn chậm; công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, còn ỷ lại vào sự chỉ đạo, nguồn lực của cấp trên.

Để khắc phục các khó khăn trên, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc Đỗ Hải Triều cho biết, thời gian tới Ban chỉ đạo sẽ quán triệt các đơn vị chuyên trách sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chủ trương xây dựng NTM; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong xây dựng NTM; tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, đề xuất hướng điều chỉnh thực hiện chương trình một cách khoa học, phù hợp điều kiện thực tế; đẩy mạnh huy động các nguồn lực, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, điều hành quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM địa phương trong giai đoạn mới 2021 - 2025...

Trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào 05 tiêu chí chính, bao gồm:

1. Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

2. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

3. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

4. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp - an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn Vĩnh Phúc.

5. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động