Vĩnh Phúc: Xác định ngành công nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội

05/08/2024 13:57 Kinh tế, xã hội
Sau 27 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã có quá trình bứt phá ngoạn mục, nổi lên như một “điểm sáng” của đất nước trong phát triển kinh tế với đóng góp quan trọng từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Năm 1997, thời điểm tái lập tỉnh, tỷ trọng nông nghiệp của Vĩnh Phúc chiếm tới hơn một nửa; công nghiệp chỉ chiếm khoảng 12% trong cơ cấu GDP với sản phẩm chủ yếu là nông cụ; thu ngân sách hơn 100 tỷ đồng, phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách ban đầu không khiến Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nản lòng, mà lấy đó làm động lực để phấn đấu vươn lên. Trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Vĩnh Phúc đã sớm xác định phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng trong phát triển kinh tế.

Vĩnh Phúc: Xác định ngành công nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội
Khu Công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến giai đoạn 2011 - 2023, công nghiệp của tỉnh duy trì nằm trong nhóm 15 địa phương có đóng góp cao nhất trong tổng giá trị tăng thêm (GTTT) của ngành công nghiệp cả nước. Tính riêng giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng GTTT ngành công nghiệp đạt trung bình 13%/năm.

Để tiếp tục tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, chương trình hành động, đề án với cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mang tính đột phá, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn của từng thời kỳ. Nhờ đó, đến nay, Vĩnh Phúc đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Ngành công nghiệp đã thực sự là động lực, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách của tỉnh, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao.

Đóng góp lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc phải kể đến từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô và xe máy đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gồm Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH Daewoo Việt Nam,… với sản lượng trung bình đạt 57.780 xe ô tô/năm và hơn 2 triệu xe máy/năm.

Từ việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm ô tô và xe máy của tỉnh, đã tác động tích cực đến môi trường thu hút đầu tư và thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác của tỉnh phát triển như sản xuất hóa chất, nhựa, cao su, thiết bị điện...

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, xe máy, gia công sản xuất linh kiện điện tử đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động trong và ngoài tỉnh.

Với những cơ hội mở ra trong công tác thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào nước ta những năm gần đây, dự báo thời gian tới, ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có nhiều cơ hội phát triển, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như góp phần vào bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng lao động ngành công nghiệp, dịch vụ.

Vĩnh Phúc: Xác định ngành công nghiệp là động lực phát triển kinh tế - xã hội
Lắp ráp ô tô tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc.

Mặc dù có sự phát triển nhanh, song nhìn chung, ngành công nghiệp của tỉnh chưa thực sự phát triển bền vững và phát triển mạnh theo chiều sâu với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều ngành công nghiệp chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; khoa học - công nghệ chưa là động lực quan trọng để phát triển.

Sự phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, khả năng tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn hạn chế do phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực sản xuất, công nghệ, tài chính, quản trị còn nhiều mặt hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.

Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất ngành công nghiệp (VACN/GOCN) thấp và có xu hướng giảm dần (nếu như năm 2010 là 16,3%, năm 2015 là 15,5% thì đến năm 2023 chỉ là 8,15%).

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu, thiếu lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao. Các khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để tạo nên cụm ngành liên kết...

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, có kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện thực hóa mục tiêu này và theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thu hút đầu tư gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội và tăng cường liên kết các hoạt động kinh tế với các tỉnh lân cận.

Tập trung lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển vùng, liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tạo dựng chuỗi liên kết lao động với các doanh nghiệp...

Cạnh đó, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử lớn, có sức lan toả đến phát triển vùng; phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, thời gian tới, địa phương cần tăng cường đẩy mạnh liên kết kinh tế với các địa phương lân cận, hỗ trợ DN thực hiện kết nối, xây dựng các chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp. Tăng cường các giải pháp đồng bộ, từng bước tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, ưu tiên các điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển.

Nhờ chủ trương đúng đắn và đi trước đón đầu thực tiễn, từ 1 KCN ban đầu thời điểm mới tái lập tỉnh, đến nay, Vĩnh Phúc đã có tổng số 19 KCN với tổng diện tích hơn 5.487 ha. Trong đó có 16/19 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tổng diện tích đất quy hoạch là hơn 3.093 ha (trong đó, diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và có thể cho thuê là hơn 1.883 ha; tổng diện tích đất đã cho thuê/đăng ký thuê là hơn 1.293 ha).

Trong các KCN đã có 390 dự án đang hoạt động SXKD (trong đó có 320 dự án FDI và 70 dự án DDI), tạo việc làm cho hơn 130 nghìn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Để phát huy sâu tiềm năng, lợi thế của mình, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, từng bước hình thành được các KCN chuyên ngành điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may...

Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng đến chân hàng rào KCN như hệ thống đường giao thông, điện, nước, viễn thông,...đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội bên bên ngoài, các khu vệ tinh như khu dân cư, khu đô thị, thiết chế văn hóa,… đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vào các KCN.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động