WB: Việt Nam chỉ hưởng lợi tạm thời từ thương chiến Mỹ - Trung
WB: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài WB: Ô nhiễm nước làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế WB lập quỹ đối phó với thảm họa thiên tai |
Theo báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương được công bố hôm 10/10 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thể được hưởng thêm thị phần khi Mỹ áp thuế cao lên các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, như thép, nhựa, điện thoại, linh kiện, máy tính, hàng may mặc, đồ gỗ,…
WB cũng nhấn mạnh, song song với đó sẽ là nguy cơ bị Mỹ tăng thuế quan và áp dụng các biện pháp bảo vệ thương mại khác. Do đó khuyến cáo Việt Nam cần hội nhập sâu sắc hơn, thông qua các hiệp định thương mại như CPTPP hay RCEP, nhằm tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời kích cầu bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức mới. Ảnh minh hoạ. |
Đại diện WB chỉ rõ: "Đây là thời điểm Chính phủ cần tăng gấp đôi nỗ lực, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên toàn cầu; tập trung vào các việc cần thiết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài".
Cũng trong bản báo cáo cập nhật mới, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 6,6% và 6,5% năm tới, do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và sản xuất nông nghiệp yếu hơn.
Con số này không thay đổi so với 2 lần dự báo vào tháng 4 và tháng 7 vừa qua của tổ chức này. Trong khi đó, hầu hết các nước đều được dự báo giảm ngoại trừ Myanmar tăng 0,1%, Việt Nam và Campuchia không đổi.
Theo chuyên gia kinh tế của WB, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài so với các nước khác trong khu vực. Trong đó, tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và năng lực cạnh tranh ngày càng cao là hai động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự kết nối giữa FDI và khu vực tư nhân Việt Nam vẫn còn yếu, do vậy cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Nhìn chung, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn được đánh giá tích cực. Lạm phát dự báo sẽ thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tài khoản vãng lai vẫn thặng dư nhưng ở mức thấp. Bội chi ngân sách được dự báo tiếp tục giảm đến năm 2021, nhờ nỗ lực củng cố tài khóa.
Tuy nhiên, WB cảnh báo Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của kinh tế toàn cầu do chính sách mở cửa thương mại hiện nay, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ hạn chế. Đà tăng trưởng sẽ chịu sức ép nếu căng thẳng thương mại leo thang và toàn cầu suy giảm mạnh hơn dự kiến.
Đối với vấn đề trong nước, báo cáo nêu rõ sự chậm lại trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng có thể gây tác động bất lợi về tài chính, vĩ mô và làm suy giảm viễn cảnh tăng trưởng dài hạn.
Đánh giá chung về khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, WB cho rằng, tăng trưởng đang giảm đà với mức tăng 5,8% năm nay và giảm dần trong hai năm sau đó.
Xuất khẩu và đầu tư của các nước trong khu vực đang chịu sức ép từ sức cầu thế giới giảm và bất ổn gia tăng. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ và khu vực đồng euro đang tăng trưởng chậm hơn dự báo.
Dù nhiều doanh nghiệp đang tìm cách "né" thuế nhập khẩu nhưng các nước thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cũng khó thay thế vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị toàn cầu trong ngắn hạn, do hạ tầng hạn chế và quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Như vậy, nhiều nước trong khu vực như Việt Nam hay Malaysia chỉ đang hưởng lợi tạm thời từ việc dòng chảy thương mại thay đổi.