Xanh hoá sản xuất và bảo vệ môi trường
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021; trong đó, đề ra các mục tiêu về thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát huy lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Sản xuất xanh hay xanh hóa sản xuất đang là mô hình được các doanh nghiệp quan tâm xây dựng, áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang chú trọng đầu tư vào các hệ thống quan trắc hiện đại cũng như áp dụng khoa học công nghệ mới trong xử lý nước thải, rác thải, khí thải hay vận hành tái chế nhằm hướng đến tối ưu hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng sống, sức khỏe cho người lao động và chung tay bảo vệ môi trường.
Đầu tư công nghệ, bước tiến lớn trong bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành
Xác định rõ, sản xuất xi măng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp phù hợp, thời gian qua, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Công ty đã mạnh dạn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xi măng không khói bụi. Trong đó, nổi bật là ứng dụng máy thu phát điện nhiệt dư, thực hiện thu toàn bộ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất clinker để tạo ra điện năng với công suất 24.800 kWh. Lượng điện tạo ra được sử dụng để phục vụ cho quá trình sản xuất, đáp ứng 30% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy. Nhờ đó, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm. Thêm vào đó, việc thu hồi nhiệt từ tháp trao đổi nhiệt và lò nung còn làm giảm phát thải khói bụi và các chất có hại như CO2, NOX và SO2 phát tán ra không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân lao động và môi trường xung quanh.
Xi Măng Xuân Thành sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại. (Ảnh: Xi măng Xuân Thành) |
Việc ứng dụng hệ thống thu phát điện nhiệt dư lớn nhất cả nước trong khối doanh nghiệp sản xuất xi măng không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Xi măng Xuân Thành định hướng sản xuất xanh là nhiệm vụ quan trọng và là quá trình xuyên suốt trong quá trình vận hành nhà máy. Theo đó, dự án tiếp theo của Xuân Thành là đầu tư thêm một dây chuyền đồng bộ nhằm duy trì sản xuất xanh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Với quan điểm, phát triển sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho người lao động và người dân địa phương, ngoài việc đầu tư hệ thống máy thu phát điện nhiệt dư, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành còn đặc biệt quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về khói bụi, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Công ty đã đầu tư các loại xe hút bụi, xe tưới nước, lắp đặt hệ thống phun nước tự động nhằm dưỡng ẩm thường xuyên bề mặt các tuyến đường xung quanh nhà máy; lắp đặt camera an ninh giám sát bụi, khí thải để có giải pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, công ty cũng thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải; lắp đặt, vận hành hệ thống xịt rửa xe cao áp tự động khi ra vào khu khai thác sét.
Tái chế để thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng
Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường về việc thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ là 5% sản phẩm tiêu thụ trên thị trường từ ngày 01/01/2024. Quy định này ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng từ cao su, nhựa…
Xuất phát từ yêu cầu đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su đã và đang thực hiện kinh tế tuần hòa với các sản phẩm đã thải bỏ. Việc thu hồi các loại lốp đã qua sử dụng để tận dụng làm nguyên liệu đã mang lại khá nhiều lợi nhuận kinh tế, tạo ra nhiều công việc cho người lao động và mang lại giá trị to lớn cho môi trường.
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng có 1 nhà máy chuyên xử lý lốp cũ đắp lại và tận dụng cao su đã qua sử dụng để làm nguyên liệu các sản phẩm ít có tính kỹ thuật như mái che, tấm lợp... Các sản phẩm mái che, tấm lợp của Công ty đã có mặt trên thị trường và dần được người dân quan tâm, lựa chọn.
Nếu không thể tái chế, đơn vị sẽ thuê một đơn vị trung gian có chức năng hoặc nộp chi phí cho nhà nước về bảo vệ môi trường để thay cho doanh nghiệp thực hiện.
Nhiều lợi ích từ tái chế lốp xe phế thải |
Ngoài việc chế tạo các sản phẩm từ lốp cũ, cao su đã qua sử dụng, Công ty cũng triển khai 100% đốt lò hơi bằng mùn cưa, bột bào thân thiện môi trường. Đồng thời hợp tác đầu tư hơn 5MW năng lượng điện mặt trời nhằm làm cho tăng trưởng kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mỗi tháng đơn vị tốn khoảng 100 triệu cho nhân công trồng, chăm sóc toàn bộ 30ha cây xanh, thảm cỏ. Đặc biệt, thứ 3 hằng tuần trở thành ngày môi trường của công ty. Từ lãnh đạo đến nhân viên dọn vệ sinh trước tiên ở khu vực sinh hoạt, làm việc của mỗi người; tham gia nhặt rác cùng các đoàn thể…
Dẫu biết phát triển xanh, bền vững tốn chi phí khá lớn, tuy vậy đây là những hoạt động đầu tư cho tương lai và Công ty cũng xác định dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn. Thậm chí, đây cũng là tiêu chí chấm chọn của những khách hàng lớn là nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế đến từ EU, Mỹ,… Các tiêu chí này là bắt buộc, nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ có nguy cơ bị mất thị trường.
Mô hình sản xuất xanh mang lại hiệu quả kinh tế, tạo hướng phát triển lâu dài cho mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng và phát triển rộng rãi sản xuất xanh tại các doanh nghiệp lại là vấn đề không dễ dàng. Bởi lẽ, doanh nghiệp cần phải có nguồn kinh phí lớn để đầu tư máy móc, thiết bị, đào tạo nhân lực... Vì vậy, để sản xuất xanh lan tỏa rộng rãi, phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thực hiện.