Bắc Ninh chú trọng công tác chuyển đổi số và phát triển kinh tế số
Tỉnh Bắc Ninh khai trương chữ ký số từ xa và phát hành biên lai điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. |
Sau một năm ban hành Nghị quyết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 23 văn bản (không bao gồm hình thức công văn), trong đó BCH Đảng bộ tỉnh ban hành 01 Nghị Quyết, 01 Kết luận, UBND tỉnh ban hành 11 Quyết định, 01 Chỉ thị , 09 Kế hoạch.”.
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện quán triệt Nghị quyết thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, tọa đàm về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Phát thanh cấp huyện; chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công về chuyển đổi số trên các trang mạng xã hội… nhằm triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Trong việc xây dựng chính quyền số, Bắc Ninh đã từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh. Trong đó, đã đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh với hệ thống máy chủ phiến, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ tập trung, hệ thống kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hạn chế tối đa việc mất an toàn thông tin, dữ liệu tỉnh, đảm bảo dễ dàng quản lý, khai thác sử dụng 24/7. Trung tâm dữ liệu tỉnh có tổng số 51 máy chủ vật lý, trong đó có 3 máy chủ quản trị đám mây và 48 máy chủ dạng phiến; hiện có 36 hệ thống thông tin của các sở, ngành được triển khai, vận hành trên nền tảng điện toán đám mây của tỉnh.
Tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 2, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng từ Trung ương với tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm yêu cầu dùng riêng, an ninh, an toàn dữ liệu và dự phòng cao. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và một số cơ quan khác (cơ quan trung ương đóng tại địa phương, đoàn thể…) trên địa bàn tỉnh đã được kết nối với hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng nội tỉnh tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu về trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước kết nối đến trung tâm dữ liệu của tỉnh.
Mạng viễn thông với hệ thống tổng đài kỹ thuật số hiện đại, tuyến truyền dẫn giữa các huyện, thành phố và các xã, phường thị trấn trong tỉnh đã được cáp quang hóa, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mạng ngoại vi đã từng bước được quy hoạch xây dựng ngầm hóa trên phạm vi toàn tỉnh. Mạng điện thoại di động đã được phủ sóng trên toàn địa bàn tỉnh với công nghệ 2G, 3G, 4G, triển khai thí điểm phủ sóng 5G tại KCN Yên Phong, với chất lượng tốt và trở thành một phương tiện thông tin liên lạc thiết yếu, mạng truyền hình trả tiền đã được phát triển rộng khắp với chất lượng khá cao, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân.
Triển khai Đề án chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mạng Internet của tỉnh sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (trong năm 2022 đã chuyển đổi IPv6 Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng dịch vụ công trực tuyến).
Về việc xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng, ban hành các Quy chế, quy định quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung nhằm tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu. Các hệ thống thông tin dùng chung gồm có: Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thư điện tử; hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến (nay được hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh); Ứng dụng phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động; hệ thống camera giám sát; hệ thống hội nghị truyền hình; nền tảng tích hợp LGSP…Ngoài ra có một số nền tảng phần mềm được thuê dưới dạng dịch vụ như mạng xã hội, quản lý tài sản, phần mềm kế toán…
Ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu tại Hội nghị phát động ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 tỉnh Bắc Ninh. |
Từ năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp Bộ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, đến nay đã kết nối với: Dịch vụ Bưu chính công ích - VNPost, Cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách, CSDL Bảo hiểm xã hội, CSDL Dân cư quốc gia, CSDL đăng ký doanh nghiệp, Danh mục dùng chung, Hệ thống hỗ trợ thanh toán DVC trực tuyến toàn quốc (PayGOV), Văn bản quy phạm pháp luật, Hộ tịch điện tử…. Đặc biệt, Bắc Ninh là một trong năm tỉnh đầu tiên được Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm kết nối thành công CSDLQG về dân cư; tích hợp, kết nối cung cấp phương thức thanh toán nghĩa vụ tài chính với các thủ tục hành chính về đất đai tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ... Từ đó giúp giảm bớt giấy tờ, cải cách hành chính phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc đội ngũ công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi sang công nghệ Ipv6, đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, giúp cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin hoạt động của các cơ quan nhà nước một cách kịp thời, chính xác.
Xếp hạng chỉ số PCI năm 2022 trong chỉ số thành phần tính minh bạch có tiêu chí chất lượng website của tỉnh, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Ngày 24/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; văn bản có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011; hiện Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và các Trang thông tin điện tử thành phần của các cơ quan, đơn vị đang thực hiện cập nhật đảm bảo đáp ứng theo quy định hiện hành.
Cổng thông tin điện tử tỉnh được tích hợp chức năng tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kết nối liên thông với hệ thống quản lý văn bản điều hành. Việc tích hợp giúp việc triển khai hệ thống một cách nhanh chóng từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Mọi phản ánh, kiến nghị của người dân sẽ được thực hiện như một văn bản đến và gửi trực tiếp đến từng cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định. Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử tỉnh cũng được tích hợp với kênh "Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh" trên ứng dụng Zalo giúp việc gửi phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện.
Sau quá trình triển khai, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử cấp tỉnh trung bình đạt 94,6%; cấp huyện đạt 95,5%, cấp xã đạt 97,5% (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP đề ra giai đoạn 2021-2025); Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 35% (chưa đạt); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn tỉnh là 70,9%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh đạt 28,9% (chưa đạt), trong đó: tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp tỉnh đạt 60,5% (đạt); tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp huyện đạt 13,6% (chưa đạt). Trong đó, một số cơ quan có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cao là: Sở Kế hoạch và Đầu tư 100%; Sở TT&TT 100%; Sở Công Thương 98%; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 97,1%. Một số cơ quan có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến thấp là: Sở Khoa học và Công nghệ 14,8%; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội 13,2%; Sở Giao thông vận tải 18,3%; Sở Tư pháp 3,4%. Tỷ lệ tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị trên thiết bị di động của toàn tỉnh đến ngày 13/9 đạt 90% Trong quý I/2023, số lượng hồ sơ đính kèm kết quả điện tử là 9.479; số lượng số hóa kết quả lịch sử 85; chưa đánh giá được số lượng hồ sơ cần số hóa nên chưa đánh giá được tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tới nay, Trung tâm thành phố thông minh của tỉnh Bắc Ninh đã được đầu tư khá đầy đủ các giải pháp kỹ thuật về bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống CNTT của tỉnh như: Tường lửa, thiết bị phát hiện và phòng chống xâm nhập, hệ thống giám sát an ninh mạng, hệ thống quét mã độc tập trung, trang bị bản quyền windows cho các máy tính cá nhân, hệ thống phòng chống tấn công có chủ đích, hệ thống quản lý truy cập, quản lý hệ thống từ xa an toàn...
Các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều nội dung thực hiện phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như: Hệ thống nộp thuế điện tử của ngành thuế được triển khai theo ngành dọc đã liên kết với 51 ngân hàng trên toàn quốc, trên 98% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; trên 98% chứng từ nộp thuế điện tử, trên 98% số tiền nộp thuế điện tử; 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng; 100% bệnh viện cấp tỉnh đã triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng; 100% các chi nhánh trực thuộc Công ty Điện lực Bắc Ninh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; 100% đơn vị cấp nước trong tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; Tỷ lệ chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội một lần thực hiện qua ngân hàng về số lượt người và về giá trị chi trả đạt trên 75%; 100% chi trả nợ cấp thất nghiệp qua ngân hàng. Nhiều nghiệp vụ được số hóa 100% (phát hành thẻ ngân hàng, mở tài khoản, gửi tiết kiệm trực tuyến, chuyển tiền,...). Phần lớn các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã ứng dụng ngân hàng số sử dụng trên smartphone và máy tính.
Ngày 29/9/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND về việc quy định định mức kinh phí hỗ trợ chữ ký số công cộng và nhận kết quả đăng ký kinh doanh qua dịch vụ bưu chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025; đến hết năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp phát chữ kí số công cộng cho 2.558 doanh nghiệp với số tiền khoảng 4.192 triệu đồng;
Tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử đạt 100% (14.835 doanh nghiệp, tổ chức); Tỷ lệ hộ kê khai thuế đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử đạt 100% (1.155 hộ). Số lượng hóa đơn điện tử đã được tạo lập là 22.642.296 hóa đơn. Đặc biệt, theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%.
Xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) hàng năm của tỉnh đều nằm trong nhóm 10 tỉnh/thành trong cả nước: Năm 2021, xếp thứ 4; năm 2022, xếp thứ 7.
Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Việt Nam ICT Index 2022) công bố ngày 21/9/2023, được nhóm nghiên cứu của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Tin học Việt Nam đưa ra, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 10 Chỉ số ICT Index cấp tỉnh (trong đó, xếp hạng hạ tầng kỹ thuật xếp thứ 02, Xếp hạng chung Chỉ số công nghiệp CNTT năm 2022 tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 03)...
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.